Tuesday, February 13, 2024

Ông Võ Văn Thưởng có bị kẹt ở ‘Vành Đai và Con Đường’?



Ông Võ Văn Thưởng có vẻ đã ghi điểm bằng một loạt gặp gỡ quan trọng và những người quan tâm đến tương lai đất nước có thể thở phào khi xem xét các thông tin báo chí chính thống của hai nước, nhưng liệu...

Chủ tịch nước Việt Nam Võ Văn Thưởng vừa tham dự Diễn đàn cao cấp “Vành đai và Con đường” lần thứ 3 tổ chức tại Bắc Kinh. Diễn đàn lần này quy tụ lãnh đạo và đại diện của 130 quốc gia trên toàn thế giới, trong đó có cả tổng thống Nga, người đang bị toà án hình sự quốc tế phát lệnh truy nã vì tội ác chiến tranh.

Sáng kiến Vành đai và con đường (Belt and Road Initiative -BRI) còn được biết đến là “Con đường tơ luạ của thế kỷ 21” nhằm xây dựng các tuyến đường nối Trung Quốc với phần còn lại của thế giới, được công bố lần đầu bởi chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình vào tháng 9/2013 trong chuyến thăm Kazakhstan.

Theo tạp chí Nghiên cứu Chiến lược lấy số liệu từ trang thông tin chính thức của BRI, tính tới tháng 6/2023 đã có đến 152 quốc gia và 32 tổ chức quốc tế ký kết hơn 200 văn kiện hợp tác. Nói cách khác, sáng kiến này có tầm ảnh hưởng tới 2/3 dân số thế giới và chiếm khoảng 40% GDP toàn cầu.

Trên bộ, trên không, trên biển và trên không gian số 

Dù đang được che đậy dưới rất nhiều ngôn từ mềm mại và đẹp đẽ như “tơ lụa” thì cả thế giới đều biết rằng BRI là một biểu hiện về sự trỗi dậy đầy tham vọng của Trung Quốc. Những khoản đầu tư vật chất khổng lồ đang cố áp đặt các “giá trị” phi vật chất khác của Trung Quốc lên nhiều quốc gia.

Lúc đầu sáng kiến này chỉ là “1 vành đai và 1 con đường”, nhưng giờ đây nó được phát triển thành cả “trên đất liền, trên không, trên biển và trên không gian số”. Những nghi ngại về lòng tin làm cho Việt Nam chưa tích cực tham gia vào sáng kiến này nhưng không thể trì hoãn lâu được nữa vì Trung Quốc có thể bỏ qua Việt Nam, bằng cách kết nối chuỗi hạ tầng trên bộ, kéo dài từ Côn Minh, qua Lào, Thái Lan, Malaysia rồi đến Singapore trên đất liền song song với một “Con đường tơ lụa trên biển” cắt ngang qua Biển Đông.

Việt Nam rất có thể sẽ bị kẹt giữa 2 “gọng kìm” là đường trên bộ ở phía Tây và vành đai dưới Biển ở phía Đông nếu Việt Nam không tích hợp được với định hướng phát triển hạ tầng trong nước và trở thành một “đoạn” trong con đường mà Trung Quốc đã vạch ra. 

Nhưng nghiêm trọng hơn là trên không gian số. Hiện nay Việt Nam đang tích cực số hoá toàn bộ dữ liệu để xây dựng “doanh nghiệp số”, “công dân số” và hướng đến “xã hội số. Thế nhưng hầu hết các camera giám sát an ninh, những thiết bị đầu cuối máy tính và máy móc thiết bị của ngành viễn thông ở Việt Nam hầu hết là do Trung Quốc sản xuất.

Đây chính là cửa ngỏ để Trung Quốc đổ bộ bằng “con đường số” hòng xâm chiếm và kiểm soát dữ liệu doanh nghiệp, công dân và chính phủ Việt Nam.

Việt Nam cũng đã bắt đầu tiến hành định danh công dân, kiểm soát việc “di biến động” của bất cứ cá nhân nào vào bất cứ thời điểm nào. Nó đang được lưu trữ tập trung vào một cơ quan của Bộ công an. Chúng ta thử nhắm mắt hình dung nếu cơ quan quản lý dữ liệu đó lọt vào tay Trung Quốc thì sẽ như thế nào?.

Thách thức của BRI: Công trình dang dở và nợ “độc” 

Mặc dù đã đầu tư hàng ngàn tỉ đô la cho các dự án, BRI cũng tiềm ẩn nhiều rủi ro và đang gây nghi ngờ trên diện rộng. Nhiều quốc gia cho rằng Trung Quốc thực sự muốn thông qua khuôn khổ hợp tác để đặt ra “bẫy nợ” và lôi kéo ngày càng nhiều nước vào quỹ đạo ảnh hưởng của mình. 

Tôi đã từng đến Kenya, thăm các dự án của BRI, gặp những người dân Kenya và nghe rằng Trung Quốc đã để lại “Hàng loạt công trình dang dởcùng một đống nợ độc”. Rất nhiều dự án cơ sở hạ tầng, từ đường sắt đến đường bộ, của Trung Quốc tại Kenya và Tanzania đang chậm tiến độ, phá huỷ môi trường và bị các nhà môi trường biểu tình phản đối.

Sự thiếu minh bạch, tham nhũng và hiệu quả thấp trong các dự của BRI cũng đã để lại những cỗ máy hành chính hoại loạn và những con người chỉ biết đến lợi ích cá nhân. Đồng tiền tham nhũng đang tấn công không khoan nhượng vào các tổ chức nhà nước yếu kém tại Phi Châu.

Nghiêm trọng nhất đối với Viêt Nam là nếu như con đường tơ lụa trên biển được xác lập và thực hiện, Trung Quốc sẽ có căn cứ để nói rằng họ đã sở hữu con đường đó từ đầu thế kỷ thứ 15 khi Đô đốc Trịnh Hoà dẫn 7 đoàn thám hiểm và “đặt chân” lên những vùng biển đảo hiện đang tranh chấp.

Theo bài viết “đá ngầm” dọc con đường tơ lụa trên biển của Đỗ Minh Châu dịch từ The Economist đăng trên tạp chí Nghiên Cứu Quốc Tế thì một trong những tranh chấp có thể phát sinh là do “sự mơ hồ và không rõ ràng của những nét vẽ tham vọng”.

Đường “lưỡi bò” trên biển Đông đang là một bằng chứng của những nét vẽ đó. Nó vẫn tiếp tục là một thách thức không nhỏ với hàng loạt nước trong khu vực.

Ông Thưởng làm gì và mang được gì về? 

Lần này đến Bắc Kinh tham dự diễn đàn BRI, chủ tịch nước Võ Văn Thưởng có cơ hội để thể hiện với nhiều lãnh đạo thế giới rằng mình là ai? ủng hộ điều gì?

Ngay khi vừa đến Bắc Kinh Ông Thưởng đã gặp tổng thống Nga, hội kiến với “đồng chí” Triệu Lạc Tế, Uỷ viên Bộ Chính Trị, Uỷ viên trưởng Nhân đại Trung Quốc (được coi như là chủ tịch quốc hội), trước khi dự chiêu đãi toàn thể do Tập Cận Bình chủ trì.

Trong ngày 19/10, ông Thưởng đã phát biểu tại Diễn đàn kinh tế số, gặp Tổng thống Uzbekistan, tổng thống Sri lanka, tổng thư ký của Liên Hiệp Quốc. Tối cùng ngày ông đã “hội kiến” với ông Thái Kỳ, Uỷ viên thường vụ Bộ chính trị, Bí thư ban bí thư, Chánh văn phòng TW đảng CS Trung Quốc.

Một cuộc gặp khác, bên lề nhưng rất quan trọng, là với thủ tướng Campuchia Hun Manet trong bối cảnh Trung Quốc đang tiến hành đầu tư mạnh mẽ tại quốc gia này và mới đây đã “mở ra một kỷ nguyên mới cho cộng đồng chung vận mệnh”. Đây cũng là lần đầu 2 nhân vật thế hệ 7X vừa giữ cương vị mới gặp nhau (ông Thưởng sinh năm 1970, làm chủ tịch nước từ tháng 3 trong khi Hun Manet sinh 1977, mới nhậm chức Thủ tướng tháng 8 năm nay).

Trung Quốc và Campuchia đã cùng “chung vận mệnh”, đang xây dựng cảng quân sự và chuẩn bị hỗ trợ đào kênh Phù Nam Techo lên đến 1,7 tỷ đô la. Điều này chắc chắn sẽ đặt ra cho Việt Nam nhiều thách thức trong tương lai nếu các bên “cơm không lành, canh không ngọt”.

Với 16% khối lượng phân giới, cắm mốc còn lại sẽ là một trở ngại, đặc biệt khi chủ nghĩa dân tộc đang trỗi dậy và đâu đó có sự “thọc gậy” của những ông lớn phía sau. 

Quan trọng nhất, trước khi lên đường ra về, ông Thưởng đã có cuộc gặp với chủ tịch Tập Cận Bình và Reuters đưa tin nói rằng Ông Tập đã nhắc ông Thưởng rằng hai bên không được quên “nguồn gốc tình hữu nghị truyền thống của mình”.

Bản tin của Reuteur cũng trích 3 nguồn tin từ Hà Nội cho biết là chuyến đi của ông Tập trước đây dự kiến vào cuối tháng 10 hoặc đầu tháng 11 có thể bị hoãn lại đến tháng 12.

Ông Thưởng bị nhắc về “Cộng đồng tương lai chung” 

Có những lo ngại về việc ông Thưởng sẽ cùng các lãnh đạo Trung Quốc đề cập đến “Cộng đồng chung vận mệnh” sau khi Tập Cận Bình đã nhiều lần nhắc điều đó với Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng. Nhiều người cũng lo ngại ông Thưởng sẽ bị kẹt giữa “Vành đai và Con đường” sau khi Việt Nam vừa nâng cấp quan hệ lên CSP với Hoa Kỳ.

Theo bản tin tiếng Anh của Xinhua ngày 20/10 thì ông Tập lại một lần nữa nhắc với Ông Thưởng về việc “Đối mặt với sự thay đổi nhanh chóng của bối cảnh quốc tế, hai nước cần hợp tác cùng nhau theo con đường XHCN và xây dựng một cộng đồng tương lai chung có ý nghĩa chiến lược” (Facing a rapidly changing interational landscape, the two counntries should work together in following the path of socialism and building a commuity of a shared future with strategic significance”, nhưng không đề cập đến chữ “Vận mệnh”.

Ông Võ Văn Thưởng có vẻ đã ghi điểm bằng một loạt gặp gỡ quan trọng và những người quan tâm đến tương lai đất nước có thể thở phào khi xem xét các thông tin báo chí chính thống của hai nước, nhưng liệu Việt Nam có thể tránh được mưu đồ về một “Cộng đồng chung vận mệnh” trong chuyến đi của Tập Cận Bình dự kiến đến Hà Nội vào tháng 12, nếu có, vẫn đang là một vấn đề.

Chúng ta hãy cùng chờ đợi và hy vọng.


Bài đã đăng trên BLOG VOA Tiếng Việt tại địa chỉ: https://www.voatiengviet.com/a/ong-vo-van-thuong-co-bi-ket-o-vanh-dai-va-con-duong-/7320383.html

Việt Nam – Trung Quốc: ‘Cộng đồng chung vận mệnh’?


Việt Nam là một quốc gia mà CCD nhắm tới. Trong các cuộc trao đổi gần đây với nhà lãnh đạo Việt Nam, Tập Cận Bình nhiều lần nhấn mạnh rằng Trung Quốc và Việt Nam là một Cộng đồng chung vận mệnh.

Ngày 17/10, chủ tịch nước Võ Văn Thưởng sẽ dẫn đầu đoàn đại biểu cao cấp Việt Nam tham dự Diễn đàn “Vành đai và Con đường” lần thứ 3 tại Bắc Kinh, Trung Quốc.

Sáng kiến “Vành đai và con đường” là một cấu thành vật chất có gắn liền với một khái niệm tinh thần rộng lớn là “Cộng đồng chung vận mệnh – Community of Common Destiny, gọi tắt là CCD”.

Tập Cận Bình thăm Việt Nam và CCD

Tháng 4 năm 2023, khi thăm Trung Quốc, thường trực ban bí thư Trương Thị Mai đã trân trọng chuyển lời mời của Tổng bí thư và Chủ tịch nước Việt Nam đến chủ tịch Tập Cận Bình, thăm Việt Nam trong năm 2023, nhân dịp kỷ niệm 15 năm hai nước thiết lập quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện giữa hai nước.

Theo Reuters ông Tập Cận Bình sẽ đến Hà Nội cuối tháng 10 hoặc đầu tháng 11. Theo thông lệ, sau chuyến thăm sẽ có một tuyên bố chung. Tuyên bố đó có nhắc đến cụm từ “Cộng đồng chung vận mệnh” hay không đang là chuyện mà các nhà ngoại giao hai bên đang ráo riết thảo luận.

Nhân dân Việt Nam và cả những nhà ngoại giao Mỹ vừa tham dự chuyến thăm của Tổng thống Joe Biden đến Việt Nam vào tháng trước cũng hết sức quan tâm đến chủ đề này. Cụ thể là sau khi nâng cấp quan hệ lên chiến lược toàn diện (CSP) với Hoa Kỳ, thì chuyến thăm của Tập Cận Bình sắp tới, nếu có, sẽ tạo áp lực gì cho Việt Nam? Hành động của Việt Nam như thế nào để thể hiện bản lĩnh “độc lập, tự chủ” trong mối quan hệ quốc tế giữa một thế giới đang chia phe rõ rệt.

Phản ứng của Việt Nam ra sao đối với mầm cây “niềm tin chiến lược mới” với Hoa Kỳ vừa mới được “gieo” xuống? liệu có trổ sinh hoa trái giữa phong ba? Đặc biệt khi nó được ẩn dấu sau những ngôn từ hoa mỹ tương tự như một sáng kiến phát xít Nhật đã nêu ra ngày 29 tháng 6 năm 1940?

Cộng đồng chung vận mệnh (CCD) là gì? 

Thuật ngữ "Cộng đồng chung vận mệnh” lần đầu tiên được đề cập bởi Tập Cận Bình vào năm 2012 ngay khi ông được bầu làm Tổng bí thư và Chủ tịch nước. Kể từ đó nó đã đã trở thành một yếu tố quan trọng trong đường lối ngoại giao của Trung Quốc.

Khái niệm này cũng đã có trong Hiến pháp Trung Quốc sửa đổi năm 2018 và thường được xuất hiện trong các bài phát biểu như một phần của tầm nhìn Trung Quốc về một viễn cảnh thế giới trong tương lai. Nó trở thành một chủ đề thường xuyên gắn liền với các sáng kiến như Vành đai và Con đường (BRI), Ngân hàng Đầu tư Cơ sở hạ tầng Châu Á (AIIB) và các đề xuất của Trung Quốc trên diễn đàn toàn cầu.

Theo tác giả Nadege Rolland, đăng trên Diễn đàn Châu Á, thì chỉ trong hai năm (2013 và 2014), ông Tập đã 60 lần đề cập đến khái niệm này. Còn theo tác giả Hoàng Thị Hà, tại trung tâm nghiên cứu Asean thì đến 2020, Chủ tịch Tập Cận Bình đã nhắc đến cụm từ này gần 100 lần kể từ năm 2012, kể cả tại Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc lần thứ 70 (2015), Diễn đàn kinh tế thế giới tại Davos (WEF tháng 1/2017) hội nghị khai mạc sáng kiến Vành đai và Con đường (tháng 5/2017) và Đại hội đảng lần thứ 19 (tháng 10/2017).

Nội dung chính của khái niệm này là “duy trì tinh thần cởi mở, khoan dung, nơi tất cả các nước to hay nhỏ, mạnh hay yếu, giàu hay nghèo, đều bình đẳng”. Nó được coi là một sáng kiến nhằm tạo ra một Trung Quốc là trung tâm của Châu Á để đảo ngược tiến trình phương tây hoá và thách thức sự chi phối của Mỹ, đặc biệt trong khu vực Châu Á và các nước láng giềng của Trung Quốc. Cách tiếp cận của Trung Quốc là đi từ tầm thế giới, đến khu vực (như ASEAN) và sau đó là trực tiếp đến từng quốc gia.

Tuy nhiên theo nhiều chuyên gia về chính trị quốc tế thì khái niệm này “được ban hành từ trên xuống và còn mập mờ và thiếu tính cụ thể”. Nó sẽ thực sự khó được chấp nhận vì sự hoài nghi về lòng chân thành và nỗi lo sợ về bá quyền Trung Quốc đang thường trực trên khắp địa cầu.

CCD với Việt Nam? 

Việt Nam là một quốc gia mà CCD nhắm tới. Trong các cuộc trao đổi gần đây với nhà lãnh đạo Việt Nam, Tập Cận Bình nhiều lần nhấn mạnh rằng Trung Quốc và Việt Nam là một Cộng đồng chung vận mệnh.

Lần thứ nhất là trong chuyến thăm Việt Nam năm 2015, khi hội đàm hai bên ông Tập nói với Nguyễn Phú Trọng “Trung Quốc và Việt Nam là cộng đồng chung vận mệnh có ý nghĩa chiến lược”. Cũng trong chuyến thăm đó, phát biểu trước quốc hội Việt Nam, Tập Cận Bình nói: “Chúng ta không chỉ là bạn bè tốt, Láng giềng tốt mà quan trọng hơn là một khối chung có cùng sinh mạng” 

Lần thứ 2, khi gửi điện mừng Nguyễn Phú Trọng tái đắc cử Tổng Bí thư vào năm 2016, ông Tập lại nêu: Trung Quốc và Việt Nam là hai nước có hệ thống chính trị tương đồng, con đường phát triển giống nhau, tương lai và vận mệnh tương đồng, là một cộng đồng chung vận mệnh có ý nghĩa chiến lược”.

Vào ngày 12/01/2017, khi hội kiến với Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Bắc Kinh, Tổng Bí thư Tập Cận Bình lại nhấn mạnh: “Trung Quốc và Việt Nam đều là hai nước xã hội chủ nghĩa do Đảng Cộng sản lãnh đạo, là cộng đồng cùng chung vận mệnh có ý nghĩa chiến lược”.

Vào năm 2021, Tập Cận Bình gửi điện mừng cho Nguyễn Phú Trọng nêu rõ “Trung Quốc và Việt Nam là hai nước láng giềng hữu nghị XHCN, là cộng đồng có chung vận mệnh có ý nghĩa chiến lược”

Việt Nam chưa công khai đề cập đến khái niệm “Cộng đồng chung vận mệnh với Trung Quốc” mà chỉ đề cập đến quan niệm “xây dựng cộng đồng chung vận mệnh nhân loại” của Đảng Cộng sản Trung Quốc.

Lần đề cập “gần” nhất với khái niệm này là “Việt Nam đánh giá cao Cộng đồng chung vận mệnh nhân loại do Trung Quốc đưa ra” nằm trong Thông cáo báo chí chung Việt Nam- Trung Quốc nhân chuyến thăm của thủ tướng Phạm Minh Chính vào tháng 6 năm nay.

Tuy nhiên, gần đây báo chí Việt Nam đưa đậm hàng tít về việc Trung Quốc ký kế hoạch hành động xây dựng “Cộng đồng chung vận mệnh với Campuchia” nhân dịp Thủ tướng Hun Manet đi thăm Trung Quốc vào giữa tháng 9 vừa qua.

Cảnh giác với một “Đại Đông Á” của Trung Hoa? 

Chúng ta sẽ không khỏi giật mình khi nhìn thấy thấp thoáng đâu đó khái niệm Cộng đồng chung vận mệnh mà Trung Quốc đang cổ suý so với “Khối thịnh vượng chung Đại Đông Á – Greater East Asia Co-prosperity Sphere”của Nhật bản đề xướng vào cuối thập niên 1930s.

Nhìn vào nội dung của của Khối thịnh vượng Chung Đại Đông Á do Tokyo đề xướng bao gồm các niềm tin cốt lõi như: Ổn định lâu dài, Láng giềng hữu nghị, Công lý Quốc tế, Phát triển văn hoá, Kết nối kinh tế, Thúc đẩy hoà bình thế giới… ta thấy dường như đang quay trở trong các văn bản về một Cộng đồng chung vận mệnh mà Trung Quốc đang tìm mọi cách thực hiện.

Nếu như hơn 80 năm trước, Chính quyền Nhật bản mong muốn thiết lập một“Trật tự thế giới mới” nhằm cạnh tranh với các quốc gia phương tây thì bây giờ Trung Quốc cũng không dấu diếm ý đồ về cộng đồng mà Trung Hoa sẽ dẫn dắt để không lệ thuộc vào chủ nghĩa tư bản và sự thống trị của Phương Tây, mà cụ thể ở đây là Hoa Kỳ.

Nhưng thực chất của học thuyết Đại Đông Á trong quá khứ là để kích động sự hận thù của nhân dân Châu Á đối với Phương Tây bằng các luận điệu như “láng giềng”,“tương quan”, “máu đỏ da vàng”… để mưu đồ đặt Châu Á dưới ách thống trị của mình. Bây giờ Trung Quốc đã đặt nó trong một bối cảnh rộng lớn hơn, mang tính dung nạp hơn bằng một ngôn ngữ uyển chuyển hơn, đối với toàn nhân loại.

Tuy nhiên, khi nhìn thấy những biểu hiện dịch chuyển quan trọng và ngôn từ của Cộng đồng Chung Vận Mệnh nhân loại đang dần dần được đưa vào đối với những nước láng giềng, chúng ta không thể không lo ngại về một chủ nghĩa bành trướng đang dần được thể hiện để trói buộc các nước láng giềng vào giá trị Trung Hoa.

Nằm ngay cạnh một Trung Quốc đang trỗi dậy, Việt Nam càng phải tỉnh táo hơn bao giờ hết. Đảng cộng sản VN có thể tự coi mình là “đỉnh cao trí tuệ” nhưng không thể đại diện đất nước trong lúc cần ra những quyết định lớn.

Chỉ có mở rộng không gian dân sự, thúc đẩy dân chủ, thành tâm lắng nghe ý kiến từ nhân dân, đặt tổ quốc lên trên hết, mới ra được những quyết định đúng để giữ vững được đất nước. Mà trước hết là bằng mọi cách tỉnh táo lánh xa khái niệm “Cộng đồng chung vận mệnh với Trung Quốc” trong chuyến đi sắp tới, nếu có, của Tập Cận Bình.


Bài đăng trên Blog VOA Tiếng Việt tại địa chỉ: https://www.voatiengviet.com/a/viet-nam-trung-quoc-cong-dong-chung-van-menh-/7312696.html

CUỘC CHIẾN ISRAEL-HAMAS: TÁC ĐỘNG THẾ GIỚI VÀ CHUẨN BỊ CHO VIỆT NAM


Thật vậy, cuộc tấn công này lớn hơn một cuộc xung đột thông thường, và có tác động rất lớn đến toàn cục của thế giới trong giai đoạn hiện nay.

Rạng sáng ngày 7/10, lực lượng Hamas ở Dải Gaza bắn hàng ngàn quả rocket, phá rào xâm nhập vào lãnh thổ do Israel kiểm soát, bắt cóc ít nhất 100 con tin, bao gồm cả quân nhân. Thủ tướng Israel tuyên bố “chúng ta đang có chiến tranh”.

Quân đội Israel đưa tin ít nhất 900 người đã thiệt mạng, trong đó có công dân của ít nhất 16 quốc gia bị giết và/hoặc bị bắt cóc. Tối ngày thứ 10/10, tổng thống Joe Biden xác nhận có ít nhất 14 người Mỹ bị giết và “có” công dân Hoa Kỳ đang bị bắt giữ làm con tin.

Phía Israel đã phản công dữ dội. Bộ trưởng quốc phòng Israel Yoav Gallant ra lệnh “phong toả hoàn toàn Dải Gaza, cắt điện, nước, gas…”. Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu còn tuyên bố sự đáp trả của Israel sẽ “thay đổi Trung Đông”. Mỹ đã điều tàu sân bay USS Gerald Ford và các tàu chiến hộ tống đến gần Israel.

Các cuộc biểu tình ủng hộ cả hai bên Palestine và Israel đã xảy ra nhiều nơi trên thế giới, và tại ít nhất 4 thành phố lớn của Hoa Kỳ, có một số xô xát nhỏ xảy ra giữa 2 nhóm biểu tình tại New York.

Thế giới và Việt Nam phản ứng ra sao?

Một số quốc gia phương tây như Hoa kỳ, Anh, Pháp và Liên hiệp Châu Âu gọi đó là một cuộc tấn công khủng bố và phản đối mạnh mẽ. Ngoại trưởng Hoa kỳ nói: Không bao giờ có bất cứ sự biện minh nào cho hành vi khủng bố”. 

Trong khi đó, một số quốc gia từ lâu đã đứng về phía Palestine thì lên tiếng kêu gọi kiềm chế bạo lực, đặc biệt một cố vấn của Iran thì lên tiếng ủng hộ các “chiến binh” Hamas. Mặc dù chưa thấy bằng chứng về việc Iran đứng sau cuộc tấn công nhưng niềm vui của Iran là rõ ràng.

Phần đông các quốc gia đều kêu gọi hai bên bình tĩnh và kiềm chế tối đa. Đặc phái viên hoà bình của Liên Hiệp Quốc, Tor Wennesland, nói: “Đây là một vực thẳm nguy hiểm, và tôi kêu gọi tất cả mọi người hãy lùi khỏi miệng vực.

Phản ứng của Việt Nam trước tình hình xung đột leo thang, ngày 8/10, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Phạm Thu Hằng nói: “Việt Nam quan tâm theo dõi và quan ngại sâu sắc trước tình trạng bạo lực leo thang” đồng thời kêu gọi “các bên liên quan kiềm chế”.

Trước đây Việt Nam luôn lên tiếng ủng hộ Palestine, tuyên truyền rằng Nhân dân Palestine là anh em, còn Israel là một lực lượng chiếm đóng. Nghĩa là, nếu thế giới gọi Hamas là “tổ chức khủng bố” thì chính Israel là một “Nhà nước khủng bố”.

Thế nhưng mọi chuyện đã thay đổi trong những năm gần đây. Chỉ sau 30 năm thiết lập quan hệ ngoại giao chính thức (1993-2023), Việt Nam trở thành thị trường xuất khẩu vũ khí lớn thứ 2 thế giới của Israel còn Israel đang đứng thứ 3 trong danh sách thị trường xuất khẩu của Việt Nam tại khu vực Tây Á và là đối tác thương mại lớn thứ 5 của Việt Nam.

Khi quan hệ ngày càng trở nên nồng ấm thì “giọng điệu” tuyên truyền cũng thay đổi. Mối quan hệ hiện nay giữa Việt Nam với Israel và Palestine cũng tương tự như với Hàn Quốc và Triều Tiên, một mặt ca ngợi lý tưởng của Bắc Hàn nhưng lại là Đối tác chiến lược toàn diện với Hàn Quốc.

Vì vậy, khi xảy ra cuộc tấn công của Hamas, Người phát ngôn, như thường lệ chỉ biết “quan ngại sâu sắc” và kêu gọi các bên liên quan “kiềm chế” mà không tỏ rõ đứng về bên nào.

Lớn hơn một cuộc xung đột tại Israel

Chúng ta đều biết về mâu thuẫn phức tạp và dai dẳng giữa Israel và Thế giới Ả Rập nói chung và Palestine nói riêng.

Nhiều người đã ví đây như một cuộc tranh chấp “chiếc bàn thờ” của hai tôn giáo chính. Những người con của tổ phụ Abraham gần 80 năm nay toàn nói chuyện với nhau bằng súng ống và đá cuội. Ngay cả khi họ im lặng thì sức nóng của nó vẫn khủng khiếp và luôn chực chờ bùng nổ, nó sẽ kéo dài, luôn có nguy cơ lan rộng và ảnh hưởng nhiều mặt đến thế giới.

Thật vậy, cuộc tấn công này lớn hơn là một cuộc xung đột thông thường mà có tác động rất lớn đến toàn cục của thế giới trong giai đoạn hiện nay.

Thứ nhất là nó xảy ra một cách bất ngờ. Lịch sử luôn luôn phiêu du và có đường đi riêng của nó mà không một ai có thể dự báo chính xác. Các nước có thể hoạch định và khơi mào, nhưng sự tính toán của con người là có giới hạn giữa vô vàn biến số, lịch sử luôn có cách đi rất khó đoán định, mà khả năng chiến đấu kiên cường và sự thất bại của quân đội Nga tại Ukraine là một ví dụ.

Hai là nó xảy ra đúng thời điểm nước Mỹ đang phải đối mặt với nhiều vấn đề.

Sự khủng hoảng chiếc ghế trống tại Hạ Viện, tỷ lệ lạm phát, nợ công, khả năng chính phủ đóng cửa và cuộc bầu cử sắp tới đang là những vấn đề thời sự . Có lẽ chưa bao giờ nước Mỹ phải đối mặt với cuộc khủng hoảng lãnh đạo cấp cao như hiện nay. May mắn thay, các thiết chế nhà nước của Hoa Kỳ rất vững mạnh cho nên đã vượt qua rất nhiều điều chưa bao giờ có tiền lệ nhưng tương lai là rất khó đoán định.

Ba là nó xay ra vào lúc thế giới đang có những biến chuyển sâu sắc. Đó là cuộc chiến Nga – Ukraine, những “động thái” của Trung quốc tại Biển Đông và chuyển dịch hợp tác vùng. Nó xảy ra vào lúc mà chủ nghĩa dân tuý đang có vẻ dâng cao đan xen với các hợp tác không thể cưỡng lại của thế giới công nghệ mới.

Nó như một cơn địa chấn đang lan rộng một cách âm thầm và có thể kích hoạt xung đột ở những nơi nhạy cảm trên thế giới trong tương lai. Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken đã nói “Hamas sẽ không phải là Hamas nếu không có sự hỗ trợ mà họ nhận được trong nhiều năm từ Iran”. Iran là một nước mạnh và mối quan hệ gắn bó giữa Iran và Nga là thân thiết và Iran đã giúp Nga nhiều vũ khí, đặc biệt là drone trong cuộc chiến với Ukraine.

Ngược lại, Israel là đồng minh chiến lược của Hoa Kỳ. Năm 2014, Tổng thống Obama đã ký ban hành đạo luật “Quan hệ đối tác chiến lược Mỹ-Israel”. Vào năm 2016, Hai quốc gia đã đồng ý một thoả thuận viện trợ quân sự 10 năm với giá trị lên đến 38 tỷ USD, bao gồm viện trợ hàng năm để mua thiết bị quân sự và một khoản phân bổ cho phòng thủ tên lửa trị giá 5 tỷ USD.

Nếu cuộc chiến Hamas và Israel kéo dài và lan rộng, sự chia phe để “tham chiến” gián tiếp của các nước lớn trong hay ngoài khu vực là điều có thể dự báo được.

Trước mắt thì giá dầu sẽ tăng, chiến tranh lan rộng. Tương lai Dải Gaza có thể bị chiếm đóng và Hamas sẽ bị tiêu diệt tạm thời nhưng chắc chắn “mầm mống” vẫn còn. Thậm chí sẽ còn mạnh mẽ hơn mà cuộc phản công của Israel hôm nay có thể đã bắt đầu gieo rắc hạt giống bạo lực và khủng bố cho một thế hệ người Palestine tiếp theo.

Mặc dù Lầu Năm Góc tuyên bố đáp ứng đủ yêu cầu về vũ khí, thiết bị cho Israel và Ukraine nhưng chắc chắn nguồn lực sẽ bị san sẻ và có thể dự báo đến một lúc nào đó cử tri Mỹ lại áp lực để nước Mỹ không thể gánh nặng một lúc cả 2 đầu.

Trong bối cảnh đó, giả sử Trung Quốc ra tay với Đài Loan thì chắc chắn cục diện của toàn thế giới sẽ rất khó định đoán. Ngọn triều lịch sử đôi lúc được cộng hưởng bởi những con sóng lăn tăn và thế giới bất định này đang ngày càng trở nên “lăn tăn” hơn lúc nào hết.

Bài học cho Việt Nam mạnh lên

Từ cuộc tấn công mới đây tại Israel, tiến sỹ Nguyễn Tiến Hưng mới có bài viết trên BBC đề cập đến sự ảm đạm và số phận của Việt Nam Cộng Hoà cũng bắt đầu từ cuộc chiến tranh Yom Kippur ở Trung Đông xảy ra đúng 50 năm trước dẫn đến những thất bại của Việt Nam Cộng Hoà.

Đối với Việt Nam: Chúng ta đang bắt đầu tham gia một cuộc chạy đua không ngừng. Ngay khi vừa ký CSP với Hoa Kỳ thì Tập Cận Bình đã chuẩn bị sang thăm và yêu cầu cùng nhau xây dựng và ký kết một “Cộng đồng chung vận mệnh”. Điều đó lại đặt cho các lãnh đạo Việt Nam trước một thách thức mới chứ không thể kiểu ‘mắt nhắm mắt mở’ mãi được.

Không thể độc lập nếu mình yếu giữa một thế giới mà những kẻ mạnh đang chia phe. Bởi vậy, theo tôi thì ngay trong lúc ông Nguyễn Phú Trọng đang có khả năng tập trung quyền lực cao độ thì cần mở rộng không gian dân sự, tạo nền tảng vững chắc cho dân chủ, thành tâm huy động đầy đủ trí tuệ và tài lực của người Việt trong nước và khắp năm châu để đủ sức đương đầu với những phức tạp của thế giới đang dịch chuyển nhanh chóng.


Bài đăng trên Blog VOA Tiếng Việt tại link sau: https://www.voatiengviet.com/a/cuoc-chien-israel-hamas-tac-dong-the-gioi-va-chuan-bi-cho-viet-nam/7308173.html

TỪ CHIẾC GHẾ TRỐNG Ở MỸ: NHÌN RA THẾ GIỚI VÀ NHÌN VỀ VIỆT NAM


Trong một động thái chưa từng có, Hạ Viện Hoa kỳ đã bỏ phiếu phế truất chủ tịch Kevin McKathy. Như vậy, từ ngày 4/10/2023, Hạ viện không có chủ tịch. Nghị sỹ Patrick McHenry của bang North Carolina được chỉ định làm chủ tịch lâm thời với quyền lực rất hạn chế.

Hạ viện dự kiến sẽ họp lại vào 10/10 để bầu chọn tân chủ tịch nhưng có vẻ còn rất gian nan vì mâu thuẫn ngay chính trong đảng Cộng hoà. Khi nội bộ không có sự thống nhất thì rất khó có thể tìm kiếm được đa số phiếu cho một cương vị mới.

Bản thân ông Kevin McCarthy hồi tháng giêng năm nay đã phải trải qua 15 lần bỏ phiếu trong suốt 4 ngày mới đạt được đa số phiếu để trở thành chủ tịch, và nay thì càng khó nhìn thấy một khuôn mặt nào thực sự hội tụ đủ sự “cân bằng” hơn ông McCarthy.

Cựu tổng thống Trump và sự chia rẽ 

Điều bất ngờ, cựu Tổng Thống Donald Trump được một số dân biểu Cộng Hòa ngỏ ý sẽ đề cử vào chức Chủ Tịch Hạ Viện. Nhưng đây sẽ là một điều khó. Trước hết, ông Trump là nhân vật gây chia rẽ.

Nếu nhìn riêng trong cộng đồng Việt Nam, sự chia rẽ cũng tương đồng với sự chia rẽ trong chính trường Mỹ hiện nay. Từ trong bàn ăn ra tận quảng trường; từ quốc gia đến cộng sản; từ nhà đấu tranh dân chủ đến cả những người ủng hộ chính quyền Cộng Sản trên mạng, người ta đều tranh luận rồi thậm chí từ mặt nhau vì “ủng hộ” hoặc “phản đối” vị cựu tổng thống này.

Tôi đã từng ngồi chứng kiến 3 cuộc tranh luận trong các gia đình người Mỹ và thấy rõ sự chia rẽ là hết sức sâu sắc. Nó đậm đặc trong lòng nước Mỹ và dự phóng sẽ kéo dài rất lâu.

Trước mắt, cựu TT Trump đã bày tỏ không hứng thú với chức vụ Chủ tịch Hạ viện (hoặc nếu có, thì chỉ làm việc trong một thời gian "rất ngắn") vì đang bận chạy đua vào chức tổng thống vào năm sau. Mặt khác, với hàng loạt vụ án đang được xét xử, cùng với lịch xét xử dày đặc, ông Trump không thể có đủ thời gian cho chức vụ chủ tịch Hạ viện.

Cá nhân ông Trump cho rằng có nhiều người xứng đáng có thể đảm nhận công việc đó, còn cô cháu gái Mary Trump thì rất đơn giản cho rằng ông không thể đảm nhận công việc vì chức danh đó “cần làm việc”.

Nhưng nếu được đề xuất (having a motion) thì Trump cũng khó có thể được đa số phiếu vì nhiều người trong đảng Cộng hoà có thể bỏ phiếu chống.

Tất nhiên, vị trí chủ tịch Hạ viện không thể bị khuyết lâu dài. Các thành viên đảng Cộng hoà có thể sớm đề cử một nhân vật đáp ứng được yêu cầu của các nhóm khác nhau thì có thể đạt được sớm nhưng cũng chỉ là buộc phải “lấp chỗ trống” chứ không phải là tìm kiếm một người thực sự tài năng và có sự đồng thuận cao.

Hậu quả từ chiếc ghế trống 

Việc bỏ phiếu phế truất ông Kevin McCarthy của một số ít người bảo thủ cứng rắn trong Hạ viện có thể gây ra những hậu quả nặng nề cho cả nền kinh tế Mỹ và cho cuộc chiến tại Ukraine.

Trong tình hình hiện tại, Hạ viện Mỹ sẽ không thể làm được nhiều chuyện lớn cho đến khi có một chủ tịch được bầu ra. Như vậy khoản viện trợ mới cho Ukraine không thể đến sớm được với những người lính đang chiến đấu trên chiến trường Ukraine.

Mặc dù tổng thống Biden đã lên tiếng về nhu cầu viện trợ cho Ukraine và đang tìm cách để hậu thuẫn cho việc này nhưng câu chuyện có lẽ phức tạp hơn khi có quá nhiều tiếng nói khác biệt ngay trong đảng Cộng hoà tại Hạ Viện.

Càng tệ hại hơn khi McCarthy vừa mới vượt qua được một việc khó khăn, đó là giúp cho chính phủ có một ngân sách tạm thời hoạt động đến tháng 11. Việc ông ra đi có thể dẫn đến một cuộc đóng cửa “thật sự” của chính phủ. Khi đó một số chương trình của chính phủ bị cắt giảm, nhân viên bị ảnh hưởng, thị trường chứng khoán đi xuống và điểm tín nhiệm của nước Mỹ có thể bị hạ bậc…

Các định chế của Mỹ là rất vững chắc nhưng chắc chắn cũng sẽ bị xói mòn qua những sự cố này. Tất cả các điều đó có thể dẫn đến hậu quả không tốt cho nền kinh tế Mỹ và sau đó là toàn cầu.

Có những nhà chính trị Mỹ coi những xáo trộn hoặc khủng hoảng là bình thường vì tin rằng “thách thức đến chỉ để làm cho nước Mỹ tốt đẹp hơn”. Thế nhưng, trước mắt thì những xáo trộn trong đảng Công hoà và Hạ viện đang thực sự làm cho người dân Mỹ và thế giới quan ngại hơn về những hậu quả khó lường của nó.

Nếu Ukraine không có viện trợ kịp thời, tình hình chiến tranh tại Ukraine có thể xô đẩy hai nước và cả thế giới có thể xoay chuyển theo chiều hướng mà không ai có thể lường trước được. Kinh tế Mỹ mà suy thoái có thể kích hoạt cả một chuỗi ảnh hưởng trong bối cảnh mà Trung Quốc đang cũng đang đối mặt với những khó khăn thách thức mới và Việt Nam thì khó đạt được mục tiêu tăng trưởng đã đề ra.

Nước Mỹ nương theo tự nhiên để vượt qua

Mặc dù chiếc ghế trống có thể tạo ra những khó khăn bất ngờ rất lớn, nhưng tôi vẫn tin vào sự bền vững mạnh mẽ của các thể chế và luật pháp Mỹ, vì nó thuận theo tự nhiên.

Quả thật, nước Mỹ còn rất trẻ nhưng nguyên lý “vận hành một cách tự nhiên” và hướng đến quyền của con người đã làm cho chính quốc gia này rất “già”. Ví dụ trong trường hợp này, Hiến pháp không quy định chủ tịch hạ viện phải là dân biểu thì được hiểu là bất cứ ai mà được đa số dân biểu trong viện bầu thì đều có thể trở thành chủ tịch.

Trong lịch sử thì chưa từng có người nào không phải dân biểu mà lại được bầu làm chủ tịch Hạ Viện, nhưng cũng không có một điều luật nào chống lại việc đó. Do vậy tư duy “được làm” đã thắng thế tư duy “cấm”, màu xanh đã chiến thắng màu đỏ cả trong những vùng xám.

Chính vì vậy mới có người đề xuất cựu TT Trump làm chủ tịch Hạ viện.

Thực chất cả quá trình đề cử, bầu, được chọn và tuyên thệ… cũng đều là những quá trình thực hành lâu dài và hình thành nên như một lẽ tự nhiên trước khi được pháp điển hoá.

Ví dụ Quyền chủ tịch (acting speaker) thì có thể điều hành biểu quyết thông qua luật trong những trường hợp “cần thiết và thích đáng”. Nhiều đại biểu quốc hội tại Việt Nam chắc chắn lại tiếp tục hỏi: “thế nào là cần thiết và thích đáng” và đòi hỏi phải chi tiết hoá các trường hợp đó. Thế nhưng chúng ta không bao giờ trù liệu được tất cả các tình huống mà chỉ có nhận thức và lương tâm đúng đắn vào một thời điểm cụ thể mới cảm nhận được.

Đó chính là thuận theo lẽ tự nhiên đúng đắn hơn là một khuôn khổ pháp lý cứng nhắc.

Tại Mỹ thẩm phán có quyền lực rộng lớn và dựa vào án lệ nên các tình tiết khác nhau sẽ cho ra những phán quyết khác nhau theo hiểu biết và lương tâm của thẩm phán. Trong khi đó nhiều nhà làm luật Việt Nam muốn thu hẹp lại khung hình phạt và chia ra các tình tiết định khung một cách máy móc vì cho rằng “để rộng quá sẽ sinh ra tiêu cực, tham nhũng”. Nhưng đó là tư duy sai lầm bởi không thể áp dụng một cách máy móc tất cả các tình tiết đa dạng của cuộc sống. Chỉ có lương tâm trong sạch của người thẩm phán mới đưa ra được một quyết định đúng đắn cho từng trường hợp.

Nếu ai đã từng tham gia giao thông tại Mỹ, chúng ta đều thấy nhiều người chạy quá tốc độ cho phép khoảng 3-5% nhưng chỉ những người “nguy hiểm” thật sự mới bị coi là vi phạm pháp luật và bị bắt, phạt. Mọi người thường theo đi theo tốc độ của dòng xe cộ trên đường (traffic flow) một cách tự nhiên và biết tuân thủ khi nào cần giảm tốc độ, cần nhường đường. Đó là theo lẽ tự nhiên.

Điều này ngược lại với Việt Nam, cảnh sát có thể “núp” sẵn ở đâu đó để “bắn” tốc độ và sau đó cứ chiếu theo luật mà phạt hoặc nhận phong bì. Việc sử dụng rượu bia cũng vậy: rất ít khi cảnh sát Mỹ đứng chặn bắt và phạt người sử dụng rượu bia nhưng mọi người rất tuân thủ, trong khi ở Việt Nam thì cảnh sát đã có chốt kiểm tra hoài và “dính” một tý vẫn bị phạt hoặc phải hối lộ phong bì, nhưng mọi người vẫn… vi phạm.

Từ những chuyện nhỏ đó để thấy, cuộc khủng hoảng trống chiếc ghế chủ tịch ở Hạ Viện có thể kích hoạt những hậu quả khó lường đối với thế giới, nhưng rồi cũng sẽ được giải quyết. Các định chế của Mỹ sẽ phản ứng rất mau lẹ và tiếp tục được tăng cường khi nó thuận theo tự nhiên để giải quyết những điều chưa từng có tiền lệ.

Chúng ta cùng hy vọng và chờ đợi.


Bài đăng trên Blog của VOA Tiếng Việt tại link: https://www.voatiengviet.com/a/tu-chiec-ghe-trong-o-my-nhin-ra-the-gioi-va-nhin-ve-viet-nam/7298741.html


BÀ TỐ NHIÊN VÀ TỘI CHIẾM ĐOẠT TÀI LIỆU

 



Ngày 20/9/2023, công an Hà Nội đã bắt giữ bà Ngô Thị Tố Nhiên, đại diện pháp luật của Doanh nghiệp xã hội sáng kiến về chuyển dịch năng lượng Việt Nam (VIETSE). 

 

Lý do bắt giữ ban đầu không được công khai nhưng tại buổi họp báo thường kỳ của Chính phủ 10 ngày sau đó, trung tướng Tô Ân Xô, đại diện BCA cho biết bà Nhiên bị bắt về tội “Chiếm đoạt tài liệu của cơ quan, tổ chức” quy định tại điều 342 Bộ luật hình sự.

 

Cùng bị bắt với bà Nhiên còn có Dương Đức Việt và Lê Quốc Anh, đều là chuyên viên thuộc tập đoàn điện lực quốc gia EVN. 

 

“Chiếm đoạt tài liệu” của EVN có chính xác?

 

Điều 342 BLHS: Tội chiếm đoạt, mua bán, tiêu huỷ con dấu, tài liệu của cơ quan tổ chức, quy định: “Người nào chiếm đoạt, mua bán hoặc tiêu huỷ trái phép con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức không thuộc tài liệu bí mật nhà nước hoặc bí mật công tác, thì bị phạt tiền từ 5 triệu đến 50 triệu đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm hoặc bị phạt tù từ 03 tháng đế 02 năm.” Khoản 2 của khung hình phạt lên đến tối đa 5 năm. 

 

Cần nhấn mạnh Điều 342 là dành cho tài liệu KHÔNG thuộc tài liệu bí mật nhà nước hoặc bí mật công tác, bởi nếu là tài liệu mật thì Bộ luật Hình sự đã quy định tội phạm riêng tại Điều 337 và 361 của BLHS. Thế nhưng ông Xô đã trả lời phỏng vấn và nói đó là “tài liệu mật”. 

 

Theo quy định của pháp luật thì mặt khách quan của việc “chiếm đoạt” là “dùng thủ đoạn lén lút, gian dối, uy hiếp thể chất hoặc tinh thần của người đang quản lý tài liệu để lấy tài liệu”. Nhưng ông Xô cũng cho rằng “Nhiên đã biết Việt và Anh là những người có quền tiếp cận thông tin, tài liệu liên quan đến hoạch định chính sách phát triển lưới điện của Tập đoàn EVN, về lưới điện 500kV và 220 kV nên ký Hợp đồng chuyên gia với Việt và Anh theo hình thức bán thời gian, có trả lương để 2 bị can trên cung cấp tài liệu của EVN cho Nhiên”.

 

Do không được biết chi tiết hành vi của 2 chuyên gia là Việt và Anh là “lén lút, gian dối hay uy hiếp thể chất hoặc tinh thần của ai đó trong EVN để chiếm đoạt tài liệu” hay không nên ta không thể hiểu chính xác việc “chiếm đoạt” diễn ra như thế nào. 

 

Tuy nhiên, nếu xét riêng những gì ta được biết về 3 bị can (Tố Nhiên, Đức Việt và Quốc Anh) thì có thể hiểu rằng họ đã công khai dùng kiến thức, thông tin và sự hiểu biết của mình mà tham gia vào công ty VIETSE như một chuyên gia để thực hiện các dự án nghiên cứu. Do vậy, nếu có vi phạm thì vấn đề ở đây liên quan đến quyền và nghĩa vụ hoặc sự xung đột lợi ích trong hợp đồng lao động, được điều chỉnh bởi Bộ luật lao động. 

 

Còn xét theo trả lời của Bộ công an thì cấu thành tội phạm của “chiếm đoạt tài liệu mật của cơ quan tổ chức” là không chính xác. 

 

“Đánh” nguồn tài trợ về mình? 

 

Theo kết luận kiểm tra số 722/KL-BKHĐT ngày 7/2/2023 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư về công tác quản lý, sử dụng các nguồn tài trợ nước ngoài thì chỉ riêng tại VUSTA từ 1/1/2018 đến 30/6/2022 thì tổ chức này đã nhận được 305 khoản tài trợ từ nước ngoài bao gồm: 22 khoản ODA không hoàn lại, 283 khoản viện trợ phi chính phủ nước ngoài với tổng giá trị cam kết quy đổi tương đương 85,55 triệu USD. 

 

Trong đó hầu hết đến từ các Tổ chức phi chính phủ Quốc tế (iNGO), các cơ quan phát triển quốc tế có uy tín và các Đại sứ quán như: Quỹ dân số LHQ, Phái đoàn liên minh Châu Âu, USAID, Tổng lãnh sự Úc, Tổ chức Nông Lương Thế giới (FAO), Oxfarm, Bánh mì thế giới (Đức), PLAN, Wildaid, GIZ, IESR…

 

Điều khác nhau trong cách tiếp cận là các nhà tài trợ thường tìm kiếm những nhân sự giỏi, có uy tín để trực tiếp trao thầu thực thi công việc (đối với các dự án nhỏ) hoặc hoặc tiến hành đấu thầu lựa chọn (thường là đối với các hợp đồng trên 200 ngàn đô la). Qua quá trình làm việc các NGO thường trao đổi và hiểu các NGO nào của Việt Nam thì hoạt động hiệu quả, tính độc lập cao và nhân sự giỏi chuyên môn. 

 

Ngược lại, nhà nước luôn luôn tìm cách giới thiệu, đề nghị các doanh nghiệp thuộc Nhà nước hoặc nhà nước kiểm soát được bất chấp khả năng, trình độ và hiệu quả công việc. Những NGO mà được chính các nhà quản lý đã về hưu thành lập luôn có “quan hệ” và ảnh hưởng nhất định lên việc trao hợp đồng dự án nhưng về mặt chuyên môn không phải khi nào cũng được đánh giá cao, do đó các nhà tài trợ quốc tế ít trao dự án cho những tổ chức này.    

 

Do có nguồn tài trợ để làm nghiên cứu, VIETSE có thể thuê chuyên gia để thực hiện các hợp đồng công việc cho mình. Sản phẩm của các công ty chính là những báo cáo, những kết quả nghiên cứu và khi có sản phẩm thì công ty có thể cung cấp cho người đã thuê làm dự án hoặc bán nó ra thị trường như một sản phẩm thông thường. 

 

Truy bắt người tài? 

 

Trong VIETSE thì bà Ngô Thị Tố Nhiên làm chủ tịch, giám đốc nghiên cứu là Tiến sỹ Hà Dương Minh Xavier. Bản thân bà Tô Nhiên là người giỏi, tốt nghiệp đại học Bách khoa, có bằng Thạc sỹ quản lý và Hệ thống năng lượng của Đại học Flensburg, Đức với hơn 15 năm làm tư vấn độc lập cho các dự án năng lượng do Ngân hàng thế giới, EU, LHQ, ADB…tài trợ. 

 

Tiến sỹ Hà Dương Minh Xavier là một nhà nghiên cứu khoa học với chục bài báo, nghiên cứu và tài liệu viết chung và riêng về vấn đề biến đổi khí hậu, chuyển đổi năng lượng và phát triển bền vững. Ông sinh năm 1969 có quốc tịch Pháp và Việt Nam. 

 

Ông cùng bà Ngô Thị Tố Nhiên thành lập nên Sáng kiến chuyển đổi năng lượng Việt Nam (VIET) vào năm 2018 và đã bắt đầu có những hợp đồng tư vấn từ OECD, Liên Minh Châu Âu và AFD, GTZ cho các đối tác chuyển đổi năng lượng ở Đông Nam Á. 

 

Sự việc càng nóng khi bà Nhiên cùng tiến sỹ Hà Dương Minh càng ngày càng có được sự chú ý của cơ quan tài trợ quốc tế vì tính hiệu quả trong công việc của bà và nhóm chuyên gia ở hiện tại và những dự phóng cho công việc chuyển đổi năng lượng sắp tới. 

 

Thật vậy, tìm kiếm được các chuyên gia giỏi trong ngành để làm việc càng trở nên quan trọng khi vào cuối năm 2022, Việt Nam đã ký thoả thuận Đối tác Chuyển đổi năng lượng công bằng (JETP) với một nhóm nước giàu trị giá 15,5 tỷ đô la để đạt mục tiêu phát thải bằng không vào năm 2050. 

 

Điều khó khă là hiện nay các NGO vừa nằm dưới sự quản lý của Bộ KH&ĐT và cả Bộ Tài chính theo 2 Nghị định số 16/2016/NĐ-CP và Nghị định 56/2020/NĐ-CP. Nhiều tổ chức NGO thực sự quay như chong chóng vẫn không thể nào thoát khỏi mớ bòng bong tài chính, tài trợ và báo cáo cho các cơ quan nhà nước đặc biệt những quy định tại Thông tư số 109/2007/TT-BTC của Bộ tài chính. 

 

Thông điệp chống “Can thiệp nội bộ”. 

 

Thế nhưng, xét về tổng thể thì chuyện hoàn thuế, miễn thuế hay trốn thuế hoặc các sai sót khi tiếp nhận các khoản tài trợ cũng chỉ là chuyện nhỏ mà thông điệp “chống lại can thiệp nội bộ” có thể là câu chuyện lớn hơn mà Bộ công an hướng đến. 

 

Vào ngày cơ quan an ninh tiến hành lục soát văn phòng Vietse và bắt giữ bà Nhiên, Báo Nhân dân có bài viết: “Không được phép can thiệp xâm phạm quyền, lợi ích hợp pháp của đất nước và Nhân dân Việt Nam  trong đó nhấn mạnh: “Nổi lên trong thời gian qua là hiện tượng nhân danh hợp tác quốc tế về xây dựng pháp luật, cải cách tư pháp, giáo dục, y tế, nhất là liên quan đến lĩnh vực bảo vệ quyền của người dân tộc thiểu số, người lao động, đất đai, môi trường... một số NGO tìm cách can thiệp các công việc nội bộ của Việt Nam, đưa ra những thông tin, đánh giá thiếu khách quan nhằm mục đích gây hoang mang dư luận, dấy lên những nghi kị, mất đoàn kết dân tộc, có tính chất chia rẽ vùng miền, làm suy giảm lòng tin của người dân đối với Ðảng và Nhà nước.”

 

Bài báo trên tờ Nhân dân cho rằng các tổ chức NGO quốc tế đã “lôi kéo” các tổ chức xã hội ở VN không đủ điều kiện để tham gia vào các dự án và hình thành các nhóm tư vấn chính sách cho Việt Nam. Họ coi những tổ chức NGO có khuynh hướng độc lập và tự do này là một mối nguy cơ khi họ tổ chức những buổi hội thảo để trình bày những báo cáo và khuyến nghị chính sách của mình rộng rãi. 

Đó có thể là điều mà chính quyền Việt Nam không thể chấp nhận được. 

Bởi vì thiếu minh bạch đã là căn bệnh kinh niên. Bên trong thì càng duy trì tình trạng càng mờ mịt càng dễ cho những nhóm lợi ích đục khoét còn bên ngoài thì vị thế của Việt Nam đang lên. 

Điều đó càng giúp chính quyền tự tin hơn trong việc bắt giữ những người có ảnh hưởng với quốc tế, bất luận nó có tác động xấu như thế nào đối với sự phát triển của Việt Nam. 

 

 

KHI MỘT TỔNG BÍ THƯ TIẾP MỘT TỔNG THỐNG

 


 

Tổng thống 81 tuổi của Hoa Kỳ sẽ có chuyến thăm chính thức Việt Nam vào ngày 10/9 theo lời mời của tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng, mà nếu tính theo tuổi ta, cũng vừa tròn tám chục. Hai “bô lão” gặp nhau là để “làm sâu sắc hơn nữa quan hệ Việt Nam-Hoa Kỳ trên tất cả các lĩnh vực”[1]

 

Chuyến đi của Tổng thống Joe Biden được bàn tán khá nhiều vì mối quan hệ đặc biệt giữa Việt Nam với Hoa Kỳ trong suốt chiều dài lịch sử. Nó cũng khác với những lần đi thăm của các tổng thống Mỹ trước đây là chỉ thực hiện chuyến đi Việt Nam khi đã sắp hết nhiệm kỳ và mang tính nghi thức. Lần này hai “nguyên thủ” gặp nhau để cho ra những quyết định chiến lược dài hơi cho 2 nước, đặt nền tảng cho một sự hợp tác vô cùng quan trọng giữa 2 quốc gia trong tương lai. 

 

Nghi lễ đối ngoại: Ai đón và có bắn đại bác không?

 

Điều 86 Hiến pháp năm 2013 ghi rõ: “Chủ tịch nước là người đứng đầu Nhà nước, thay mặt nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam về đối nội và đối ngoại”. [2]  Thế mà Tổng bí thư của một đảng đã thay mặt cả nhà nước mời Tổng thống Hoa Kỳ đến thăm Việt Nam và chắc rằng ông Trọng cũng là người chủ trì lễ đón. 

 

Điều 4 Hiến pháp quy định “Đảng cộng sản lãnh đạo” nhưng không có một câu từ nào nói về vai trò của ông Tổng bí thư. Khoản 3, Điều 4 Hiến pháp còn ghi rõ: “Các tổ chức của đảng và đảng viên Đảng cộng sản Việt Nam hoạt động trong khuôn khổ Hiến pháp và Pháp luật”. Vậy việc mời và đón thăm đã là một sự “lạ” thu hút sự chú ý rất lớn của nhân dân. 

 

Các báo Việt Nam đã rất tế nhị khi đề cập đến vấn đề này. Tờ Tuổi Trẻ giật tít là “chưa từng có tiền lệ” và viết: “Ông Joe Biden không phải là tổng thống Mỹ đầu tiên thăm Việt Nam, nhưng là tổng thống Mỹ đầu tiên tới thăm chính thức theo lời mời của Tổng bí thư Đảng cộng sản Việt Nam. Chỉ riêng điều đó đã nói lên sự đặc biệt của chuyến thăm này”[3].

 

Khoản 6, Điều 3, Nghị định số 18/2022/NĐ-CP về nghi lễ đối ngoại quy định: “Thăm cấp nhà nước là chuyến thăm được áp dụng mức độ nghi lễ nhà nước cao nhất dành cho Nguyên thủ quốc gia nước khách đồng thời là Người đứng đầu đảng cầm quyền là khách mời của Tổng bí thư ban chấp hành trung ương ĐCS và Chủ tịch nước; Nguyên thủ quốc gia nước khách là khách mời của Chủ tịch nước Cộng hoà XHCN Việt Nam”. 

 

Bởi vậy, nếu như ông Biden chỉ đi dự với tư cách là người đứng đầu đảng Dân chủ cầm quyền tại Mỹ, thì ông Nguyễn Phú Trọng có quyền mời và tiếp đón với tư cách là 2 trưởng đảng . Còn nếu ông Biden đến với tư cách là Nguyên thủ quốc gia nước Mỹ thì theo quy định phải là khách mời của Chủ tịch nước Cộng hoà XHCNVN. Ông sẽ được coi là Quốc khách và Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng sẽ chủ trì nghi lễ đón tiếp. 

 

Theo Nghị định 18/2022/NĐ-CP thì Nghi thức đón phải gồm “Chủ tịch nước và Phu nhân (hoặc Phu quân) đón nguyên thủ quốc gia nước khách và Phu nhân (hoặc Phu quân) tại nơi đỗ xe của Nguyên thủ quốc gia nước khách. Khi duyệt đội danh dự thì Chủ tịch nước được mời đến vị trí hàng đầu, bắn 21 loạt đại bạc khi cử Quốc thiều hai nước theo nguyên tắc có đi có lại hoặc theo đề án được duyệt”.

 

Chính trị thực dụng lột trần nghi thức

 

Trong quá khứ, chưa có một đoàn lãnh đạo cao cấp nào của Việt Nam được tiếp đón theo nghi thức quốc khách tại Hoa Kỳ, cho nên nếu theo nguyên tắc có đi có lại thì sẽ không có bắn 21 phát đại bác để chào đón ông Biden. Việt Nam và Trung Quốc thì đã áp dụng nguyên tắc có đi có lại này. Tập Cận Bình đã được đón chào bằng 21 phát đại bác vào năm 2017 và Nguyễn Phú Trọng khi đi thăm Trung Quốc vào tháng 10 năm 2022 cũng đã từng được Trung Quốc tiếp đón tương tự. 

 

Có lẽ Hoa Kỳ thực dụng hơn và để hướng tới một quan hệ “thực chất” hơn, cho nên hai bên sẵn sàng bỏ qua lên những giao thức ngoại giao thông thường. Việc bắn đại bác hay không dường như cũng không quan trọng với Tổng thống Hoa Kỳ bởi vì mục tiêu của ông là “có” Việt Nam nằm trong chiến lược lớn hơn của Hoa Kỳ trong thế cạnh tranh với Trung Quốc. 

 

Vấn đề quan trọng là khi tổng thống Hoa Kỳ chấp nhận một chuyến đi và ông Trọng chủ trì lễ đón, cả 2 cùng bước lên bục danh dự thì phải hiểu rằng Hoa Kỳ đã chính thức công nhận tính chính danh của Đảng cộng sản Việt Nam. Hoa Kỳ đã nhiều lần khẳng định “tôn trọng thể chế chính trị của Việt Nam” nhưng nếu được đón như là một quốc khách, đây có lẽ là lần đầu tiên một tổng thống đứng cạnh một đảng trưởng với tư cách là “Nguyên thủ quốc gia” trên bục danh dự, giữa tiếng đại bác và quân nhạc cử Quốc thiều. 

 

Nếu có, thì đó là lúc ông Trọng ở tột đỉnh vinh quang, và cũng là lúc toàn dân bị đảng lột trần những nghi thức mà thực chất cũng đã được đảng âu yếm mặc vào bằng “Hiến pháp và Pháp luật”. 

 

Tổng thống Biden ghi điểm cho Tổng bí thư 

 

Tổng thống là một nhà hoạt động chính trị lão luyện với hơn 50 năm kinh nghiệm. Ông được bầu làm thượng Nghị sỹ khi vừa tròn 30 tuổi  và là thành viên lâu năm của Uỷ ban đối ngoại Thượng Viện Hoa Kỳ. Ông cũng đã làm phó tổng thống suốt 8 năm dưới thời Obama. 

 

Đối với Việt Nam, ông Joe Biden biết rõ ai là người có quyền lực và sẽ làm bất cứ điều gì có lợi cho Hoa Kỳ. Vào năm 2015 ông cũng đã từng mở tiệc chiêu đãi trọng thể Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng và đọc Kiều. Có lẽ “trời còn để có hôm nay” nên 2 vị lãnh đạo cũng quyết tâm để đặt dấu ấn vào lịch sử bằng cách nâng cấp quan hệ sau khi đã cùng nhau nâng li trong bữa tiệc 8 năm trước. Tổng thống Joe Biden hiểu rõ tình hình chính trị của Việt Nam và sẵn sàng bỏ qua mọi nghi thức để ghi điểm cho Nguyễn Phú Trọng qua chuyến thăm này. 

 

Còn ông Trọng, từ một biên tập viên cuồng của tạp chí Cộng sản, đã trở thành nhân vật trung tâm trong mối quan hệ lớn, đặc biệt là giữa Mỹ và Trung Quốc.

 

Chúng ta sẽ không thể biết được ông Trọng đã lắng nghe chỉ đạo gì từ Bắc Kinh thông qua chuyến thăm của Lưu Kiến Siêu[4] vào 2 ngày trước đây, cũng như sẽ không thể biết được ai sẽ sang Bắc Kinh, và báo cáo những gì, sau chuyến đi của Joe Biden. 

 

Nhưng chúng ta biết chắc chắn rằng ông Trọng đang trở nên quan trọng hơn giữa bối cảnh mà cả Hoa Kỳ và Trung Quốc đều muốn giành ảnh hưởng của mình tại Châu Á nói chung, với Việt Nam nói riêng. Họ đều nhìn thấy ông Trọng là nhân vật quyền lực nhất, có khả năng ra quyết định nhất. 

 

Di sản lớn cần sự một lòng tin chiến lược

 

Chuyến đi của Tổng thống Biden lần này thực sự mang lại nhiều lợi ích cho cá nhân ông Trọng cũng như cho Việt Nam nhưng cũng tạo ra những thách thức lớn, đặc biệt khi lịch sử lên tiếng buộc phải lựa chọn giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc, nhất là khi nổi “can qua”.  Đó là lúc có thể xảy ra một sự biến cho quốc gia. 

 

Còn bây giờ, dù là Đảng trưởng hay Quốc khách, dù bề ngoài nói với nhau điều gì, thì cũng không quan trọng, miễn là được bên nhau và ngầm hiểu ý nhau, mới là điều quan trọng nhất. Cá nhân tôi cho rằng những tiến bộ trong suốt thời gian qua là rất quý giá, đã đặt nền tảng tốt đẹp cho chuyến đi lịch sử hôm nay.

 

Việc ký kết thành “Đối tác chiến lược toàn diện”, nếu có, sẽ để lại một di sản thực sự có ý nghĩa cho tương lai Việt Nam nếu như những người kế nhiệm của 2 vị hôm nay tiếp tục xây dựng được lòng tin chiến lược. Lòng tin đó phải thể hiện bằng các cam kết cụ thể và thực chất trong tương lai, dù có phải trải qua những sóng gió hoặc sự “chia rẽ” từ bất cứ lực lượng nào trên thế giới. 

 

Như vậy, chúng ta sẽ có một Việt Nam mà thế hệ hôm nay chấp nhận được và con cháu mai sau có thể tự hào.