Sunday, September 27, 2009

AI PHẢI TRẢ LỜI


Bài Viết sau đây được đăng lại từ trang bauxitevietnam.info, Là của Nguyên Phó Tổng Biên tập phụ trách báo Du Lịch, người bị đình chỉ chức vụ và bị thu hồi thẻ nhà báo vì trong số báo Du lịch xuân 2009 đã đề cập đến lòng yêu nước, đến Trường sa, Hoàng sa của Việt Nam và cuộc biểu tình trước đại sứ quán Trung Quốc cuối năm 2008

Ai phải trả lời

Nguyễn Trung Dân

Tôi đã thử đặt trên bàn hai thứ: Một là các trang báo DU LỊCH số Xuân 2009 đã đăng các bài viết mà vì nó, báo bị đình bản 3 tháng – và cho đến tận hôm nay – toàn bộ nhân viên bị nghỉ việc không có lương ăn. Tôi thì bị đình chỉ chức vụ và thu hồi thẻ nhà báo. Và thứ khác và “lạ”, là bài báo trên trang Báo Điện tử của Đảng CSVN do ông Đào Duy Quát làm Tổng Biên tập, Trung ương Đảng là cơ quan chủ quản, đã dịch ra và đăng tải thông tin khoe sức mạnh của quân lực… “Tàu mình” đang tập trận nơi Biển Đông có Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam, ca ngợi sự biểu dương lực lượng của nước “Tàu mình” như chốn không người nhằm xác lập vai trò của kẻ xâm lược. So sánh để thử hiểu được điều gì đang xảy ra trên đất nước tôi và đau đớn phải hiểu ra là “không thể hiểu được”.

Vì làm sao có thể hiểu nổi cùng là người Việt Nam “da vàng, mũi tẹt” mà ngôn ngữ “xa lạ” nhau đến vậy, cách đối xử với đồng đội, đồng chí mình sao mà ghê rợn như kẻ thù. Đình bản 3 tháng (từ 14/4/09 cho đên tận hôm nay – 26/9/09 là 5 tháng 12 ngày) là từng ấy ngày không lương ăn, không việc làm và kinh khủng hơn là không ai thèm biết đến sự tồn tại của hơn 50 con người đang vất vưởng, tội nghiệp chờ kiếm cho ra một người phụ trách mới. Mà là tội gì? Có chăng là tội muốn nói lên cho mọi người biết rằng Việt Nam vẫn có – và có nhiều – những thanh niên sẵn sàng xuống đường (và sẵn sàng chết) cho Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam (xem bài Tản mạn cho đảo xa của Trung Bảo). Và cho dù đã “lỡ lầm” mất Ải Nam Quan thì cũng cần ghi dấu “Hận Nam quan” cho con cháu mai sau biết được rằng: Nước Việt Nam ta hình cong chữ S, liền một dải từ Ải Nam Quan đến mũi Cà Mau (xem Hận Nam quan của Hoàng Cầm). Vậy thì đâu là điều đúng, sai để làm ra một quyết định kỷ luật như sau:

Quyết định đình bản báo Du lịch căn cứ vào “những sai phạm nghiêm trọng của Báo Du lịch số Tết Kỷ Sửu 2009.” Theo quyết định của Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông, “lãnh đạo Báo Du lịch đã không chấp hành sự chỉ đạo đối với các thông tin quan trọng, phức tạp, nhạy cảm, cho đăng những thông tin trên số báo Tết Kỷ Sửu 2009 vi phạm nghiêm trọng các quy định tại khoản 1, khoản 2 Điều 6 và khoản 2 Điều 10 Luật Báo chí, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Báo chí.”

Có một điều, dù đã có một vài người biết, nay tôi cũng muốn được nói ra là tác giả Trung Bảo viết “Tản mạn cho đảo xa” là con trai đầu của tôi – đứa con mà khi nó vào đại học tôi đã căn dặn không được học và làm nghề báo. Bởi hơn 20 năm làm báo, tôi đã phải chứng kiến và trải qua bao điều dâu bể để mong con chọn sự bình an trong cuộc đời. Vậy mà như một định mệnh, cháu vẫn theo học khoa báo chí, ra trường làm việc ở báo Thanh Niên, và được xem là một thanh niên có ý thức đối với đất nước và có khả năng làm báo.

Khi cầm bàì báo Trung Bảo viết cho số Xuân Du lịch, tôi đã đắn đo rất lâu. Trong tình hình lúc ấy, với sự nhạy cảm cần thiết, tôi hiểu được điều gì có thể xảy ra khi các bài báo này được in ra. Thế nhưng, tất cả những điều có thể xảy ra ấy có khiến tôi chùn tay không dám ký duyệt cho đăng bài viết này, mà khi đọc tôi thật sự xúc động tận tâm can? Tôi thương cho bầu nhiệt huyết của lớp lớp tuổi trẻ sẵn sàng xả thân mình, xuống đường biểu tình và có lẽ không ngần ngại hy sinh thân mình khi tấc đất quê hương đang bị xâm chiếm. Rồi tôi sợ. Tôi sợ phải đối diện với ánh mắt con tôi, sợ phải nghe câu hỏi là bao nhiêu sự tích anh hùng của cha ông, sao bây giờ lại thế này? Và điều quan trọng này nữa: Có phải khi đã yên vị ngôi cao, được phong thánh bằng niềm kiêu hãnh đem lại độc lập dân tộc thì đất nước, lòng yêu nước đã trở thành của riêng một nhóm người độc quyền bắt người khác phải nghe, phải theo mình, mà mình thì không thấy điều gì quan trọng hơn cái ghế của mình. Ghế Phó Tổng Biên tập phụ trách của tôi có đủ sức chịu đựng những câu hỏi ấy không? Và tôi, tôi đang ở đâu, ở nhóm nào khi đất nước đang có nguy cơ bị xâm lăng như vậy?

Không phải chỉ tôi trả lời và không phải chỉ một mình con tôi hỏi. Cả dân tộc đang hỏi, và ai phải trả lời đây?

Chọn đăng những bài báo ấy tôi còn có tính toán làm phép thử. Bởi tôi vẫn tin rằng đâu đó thẳm sâu trong lòng mọi người dân Việt tấm lòng yêu nước nồng nàn đã đưa đất nước vượt qua bao họa xâm lăng. sẽ khiến cho người có trách nhiệm biết cách lèo lái, sẽ phải “đưa cao đánh khẽ” để báo chí, công dân có cách thể hiện tấm lòng, sự quật cường, không chịu khiếp nhược vớí bất cứ kẻ xâm lược nào, khi mà vì lý do nào đó nhà nước đang còn vận động “ngoại giao”, và ngay cả khi cho là báo Du kịch có “sai” (nhưng sai rất chân thành). Tôi đã nhầm. Họ đã cư xử như “NGƯỜI LẠ”.

Tôi đã cố gắng giữ sự yên lặng. Không than phiền việc mất chức, ngồi không (cái chức mà tôi vẫn tự trào là chưa kịp khoe với bạn bè đã mất). Không viết lách gì và cũng không muốn phát biểu với ai để trần tình phải trái, dù rằng ai cũng đồng tình là tôi bị tai nạn, nhưng đều thấy tôi như người “chết rồi” từ khi có quyết định của Bộ Thông tin và Truyền thông. Vì tôi vẫn hy vọng, có thể ở “tầm của tôi” khó hiểu được cách làm, những ứng xử của “tầng vĩ mô”. Giờ đây tôi buộc phải thất vọng. Cách thể hiện trên trang Báo Điện tử của Đảng (có nhiệm vụ lãnh đạo toàn diện ĐẤT NƯỚC) và cách KỶ LUẬT BẰNG TIỀN sự sai phạm, đối nghịch hẳn với sai phạm của báo Du lịch, của những người đang nắm vận mệnh quốc gia như đã làm, thì thật sự không hiểu nổi điều gì đang xảy ra với dân tộc chúng ta.

Nói không hiểu tức là đang hiểu vậy.

N.T.D. (tháng 9/2009)

Nguồn http://bauxitevietnam.info/c/11250.html


Sunday, September 20, 2009

ĐỒNG VỌNG Ô SIN - PHẦN III


ĐỒNG VỌNG Ô SIN - PHẦN KẾT

“Xét đồ!”

Tôi giật mình khi vợ tuyên bố rõ to. Ngạc nhiên trước một quyết định táo bạo bất thường của vợ, tôi can. Vợ bảo nhờ tiếng chuông điện thoại reo mà em biết được. Chị này đã mua sim, hẹn một đồng hương ra về. Tôi lặng người. Giờ đây, trước mặt là nhân chứng và vật chứng. Chiếc điện thoại hơn 3 triệu là gấp 6 lần mức thấp nhất để phải chịu trách nhiệm hình sự theo luật. Sự van xin và nhận tội hiển nhiên tố cáo hành vi.

“Xét người!”

Vợ tôi nói gần như hét. Đối với tôi đây là việc làm cả thể, ngoài mọi dự kiến, vượt trên luật pháp, xúc phạm danh dự, nhân phẩm một con người. Tôi chưa biết nói gì.

- Em nhiều lần mất tiền rồi mà không dám nói với anh. Bây giờ phải xét!

Tôi lặng im, hai chị hàng xóm chạy sang hùa vào nhao nhao “phải khám, phải khám người…”. Nghề luật sư, tôi biết rằng chỉ làm điều đó khi có dấu hiệu phạm tội rõ ràng và có lệnh của công quyền. Chị Tình như quỳ xuống van xin chúng tôi, vợ tôi phải dọa gọi công an hai lần nữa chị mới chịu rút trong túi ra hai triệu đồng, mặt tái xám, đảo mắt nhìn tôi như sắp khóc:

- Tôi xin cô chú tha cho, đây là tiền rơi, tôi nhặt được khi giặt quần áo.

Con tôi khóc ré. Mới ở hai tháng mà cháu đã quen hơi người giúp việc. Nó linh tính thấy điều gì đó không lành cho bà và nó sợ. Nó tiếp tục khóc. Ngay lập tức tôi quyết định để chị đi khỏi nhà mình. Tôi bảo vợ tính trả tiền lương đầy đủ, thêm 500 ngàn đồng mua quà. Tôi yêu cầu rời khỏi nhà trước mười giờ tối, là lúc theo luật chưa vào đêm. Khi xưa ông nội tôi cố gắng mời bà Nghĩa ở lại, nay tôi đành phải đuổi chị Tình ra đi. Khi xưa là sự biết ơn, nay ô sin quên cả lời xin lỗi chỉ đủ thở phào như vừa thoát vạ. Tôi nhìn theo thấy bên kia đường một người đàn ông đang đón.

Tôi bế con vào phòng riêng, đóng cửa lại và ru Kiều. Tự nhiên nước mắt tôi ứa ra. Con tôi, dù còn bé, đã không có một vú em, một người giúp việc, để cùng sống và trở nên thân thiết. Nhật ký của nó sẽ không có những dòng về người giúp việc đầy yêu thương và đáng kính, chăm lo từ lúc ấu thơ. Ký ức về bà Nghĩa mà ông nội tôi kể khi xưa, chợt hiện về.

Sáng hôm sau, tôi bắt xe về quê tìm nhà bà Nghĩa. Trưởng thôn tưởng tôi về tìm người đi lao động nước ngoài, tiếp tôi một cách niềm nở. Ông nói rằng bà cố Nghĩa đã mất từ lâu, giờ có mấy đứa cháu vẫn là bần nông.

- Nếu anh tạo được một suất thì cưa đôi - Gã đề nghị.

- Tôi tìm người giúp việc cho mình, đâu phải cò vạc mà cưa với kéo - Tôi giải thích.

- Giúp việc ở trong nước thì quê lắm, dân sợ mang tiếng là đi ở – Lão chê bai.

- Mong anh cứ chỉ cho tôi đến nhà cụ cố Nghĩa - Tôi cố gắng nài nỉ thêm.

Sau một hồi vòng vo, trưởng thôn cũng dẫn tôi đến một ngôi nhà xiêu vẹo cuối làng. Đó là nhà người cháu của bà Nghĩa. Người chồng ngồi ôm con trước cửa, cạnh một chiếc chum sành gắn máng hứng nước mưa. Lẫn lộn dưới rãnh nước bẩn là vỏ những gói nhỏ dầu gội đầu Sunsilk loại năm trăm đồng một gói.

Đứa bé con anh hai tuổi gầy đét, mặt mũi lem luốc. Tôi bước vào nhà, ngồi lên một trong hai chiếc giường trống rỗng. Tôi cẩn thận đặt gói bánh trên giường và hỏi chuyện. Một cô bé khác mặt buồn rười rượi tựa cửa ngó vào. Mắt nó đau đáu nhìn gói quà rồi chậm rãi nhìn tôi. Anh chồng nói vợ đi rồi, vay ngân hàng hết 12 triệu, đến nay đã đi được 4 tháng, mới điện về 2 lần, chưa gửi đồng nào cả”.

- Buồn lắm, vợ đi giúp việc nhà cho người khác, nhà mình không ai trông con - Anh nói chậm rãi, đôi mắt u sầu. Tường nhà loang lổ vì thấm nước mưa, mạng nhện giăng ngang một bức ảnh cưới.

- Đi vậy mỗi tháng được bao nhiêu? - tôi hỏi

- Gốc được 10 triệu, trừ thuế còn 6 - Anh đáp.

- Làng có nhiều người đi không? - tôi hỏi tiếp.

- Con gái làng này đi nhiều lắm. Nhiều đứa vừa cưới chồng xong cũng đi. Thà thế còn đỡ, tôi giờ không ai trông hai đứa trẻ - Anh phàn nàn.

- Nhiều cặp vợ chồng đi về không sống được với nhau, chửi nhau tôi phải giải quyết suốt Ông trưởng thôn xen ngang - mấy thằng xã bên nói các bà đi làm ô sin là bị chơi hết.

- Mình làm sao biết được, có cũng đành chịu thôi, phải kiếm tiền nuôi con - Anh chồng thở dài giọng đầy cam chịu - Bực là mấy tháng rồi không thấy đồng nào gửi về.

Tôi không kiếm được người giúp việc cùng quê. Họ đi tây làm ô sin hết rồi. Sau khi nhờ cậy vào nhiều trung tâm giới thiệu, cuối cùng vợ tôi cũng kiếm được. Thực ra đó là một lao động trẻ em, cháu chỉ mới mười hai tuổi. Tôi không muốn thuê vì sợ phạm luật, nhưng “nhận cháu là giải thoát cho cháu, chủ nhà cũ đánh cháu và giam cháu suốt”, người môi giới nói như van lơn. Một ngày chủ nhật, chúng tôi đưa cháu về thăm nhà, thỏa thuận cụ thể với bố mẹ cháu. Cả gia đình cám ơn, xong cháu theo xe về ở với nhà tôi.

Hai tháng sau, một buổi sáng, khi tôi đến văn phòng. Người cháu rể bà Nghĩa ngồi trước văn phòng tôi rũ rượi như một tàu lá héo. Vợ anh đã chết. Xác được đưa từ Ảrập về quê. Chị bị tai nạn khi trèo ra lau kính ngoài phía cửa sổ trượt chân rơi xuống từ tầng mười hai. Các bên môi giới đùn đẩy nhau không ai chịu trách nhiệm bồi thường. Tiền lương bốn tháng của chị bị một đồng nghiệp cùng quê lừa lấy và bỏ trốn, nay không liên lạc được. Nợ ngân hàng tăng lên trong khi môi giới Việt Nam nói rằng, khoản tiền đưa xác từ bên kia về chỉ là cho mượn.

Trông anh hoảng loạn đến tột độ. Anh lại nói rằng cắn răng cắn cỏ lạy tôi nếu tôi không giúp được thì cả gia đình anh sẽ cùng nhau tự tử mà chết. Anh đưa tôi tập hồ sơ bằng tiếng Anh và tiếng Ảrập của tòa án gửi về. Như một chút tri ân, tôi dẹp bỏ các hồ sơ và hợp đồng đang làm dở, bắt đầu viết bức giác thư pháp lý gửi đến Đại sứ quán Việt Nam tại thủ đô Riyadh, đồng kính gửi Tòa án Quận, nhờ họ thụ lý để tìm hiểu về cái chết của người cháu của Bà, để tôi có thể tập trung vào tài liệu bảo hiểm giúp gia đình anh.

Khuya, tôi ra hành lang hít thở và nghĩ mung lung không định hướng. Nhiều căn hộ đang sáng đèn. Tôi nghĩ về bà Nghĩa, chị Cần, những người nghèo khó nhưng trong sạch. Tôi nghe phía bên kia đại dương những thân phận ô sin, bỏ con mình đẻ ra, bỏ bố mẹ đẻ ra mình, để đi chăm sóc con trẻ, rửa ráy người già nơi quê người đất khách. Tôi nghĩ đến cháu gái cụ cố Nghĩa và cái chết của cô ấy. Ai? Lỗi của ai? Niềm tin về một ngày mai đâu rồi? Những câu hỏi xoắn lấy tôi, tha thiết đòi được trả lời. Làm luật sư tranh tụng quốc tế đã nhiều, nhưng chưa bao giờ tôi thao thức về một vụ án nhiều như lúc này. Có thể tôi sẽ giúp được nguyên đơn thắng kiện, chồng con nạn nhân được bồi thường, nhưng ai sẽ giúp lấy lại mạng sống cháu gái cố Nghĩa? Rồi còn cả chị Tình, chín cô ô sin chị bạn, và cả đứa trẻ thất học đang ở trong nhà tôi nữa. Trong cái đói về vật chất, họ hoang mang nhặt nhạnh từng đồng tiền thấm đẫm mồ hôi, họ lo miếng cơm đến ngắn cả đời người. Trong cái đói tinh thần, họ nhắm mắt hủy hoại nhân cách, giết chết lòng tự trọng, xét đồ khám người, quỳ lạy cầu xin, thở phào thoát tội… Nước mắt có thể rơi, nhưng vì ai, vì lẽ gì đây. Đó là điều chúng ta phải nghĩ.

Bốn phía đường, phố phường mệt mỏi chìm sâu vào đêm !

Friday, September 18, 2009

ĐỒNG VỌNG ÔSIN - PHẦN II


ĐỒNG VỌNG Ô SIN (PHẦN II)

Đúng năm mươi năm sau. Mùa thu năm 2004.

Tôi - Đứa cháu nội của vị công an viên, em trai ông Tri huyện ngày xưa - là một Luật sư Tây học giờ ở Hà Nội, nhận được điện thoại gọi về quê. Đại gia đình họp lại chia vàng. Vào một đêm tối trời trước khi chết không lâu, ông Nội tôi đã dẫn các bác trong họ đi vào nghĩa địa, đến ngôi mộ bà cố Nội đào lên một lọ sành đựng vàng mà ông chôn nửa thế kỷ trước.

Trên đường về quê lần ấy, tôi nghĩ đến chị Cần, là người giúp việc gia đình tôi. Mẹ thường bảo: Hồi nhỏ mày khó tính, chị Cần khổ lắm vì mày”. Quả thực thuở nhỏ tôi ươn người, hay khóc. Chị Cần bồng bế tôi suốt 4 năm. Nhớ chị nhưng giờ chị Cần chỉ còn là ký ức. Khi tôi bắt đầu vào lớp Một thì chị đã về quê ở vùng ven biển lấy chồng. Đã có lần khi còn là sinh viên, tôi tìm về quê chị. Nhưng dân làng cho biết là chị đã theo chồng vào Ninh Thuận làm ăn. Chị sống đời chài lưới cơ cực ven sông, nay đây mai đó.

Năm sau, khi vợ chồng tôi có đứa bé đầu lòng. Chúng tôi thuê người giúp việc tên Tình. Ngày chị ra ở với gia đình, tôi háo hức ghi vào nhật ký của bé rằng, từ hôm nay con có một người giúp việc, bà sẽ bế con, tắm, cho ăn, và hát ru cho con ngủ thay bố mẹ nhiều đêm.

Hai tháng trôi qua. Một hôm, khi đang ăn tối cùng khách hàng, tôi bị vợ gọi về gấp. Không khí gia đình như có chiến tranh. Chị Tình đòi thanh toán tiền hai tháng làm việc và ra về.

- Khổ thân tôi quá, tôi không chịu được nữa, cô giết tôi đi.

Chị ô sin hét lên và làm bộ lau nước mắt. Vợ tôi ngồi lặng im, chiếc điện thoại Nokia mất ba hôm nay giờ nằm trên bàn như một chứng cớ xác đáng.

- Tôi xin cô chú, cô chú cứ giết tôi đi chứ đừng gọi anh Dũng.

Dũng là bạn tôi, làm công an ở quận Hoàng Mai. Chị ô sin xoãi chân ra, như vừa quỳ vừa ngồi, vò tóc và gọi tên con, tên cháu ở quê rầm rĩ. Rồi chị lạy gia đình tôi, những người chỉ xứng đáng tuổi em út của chị. Trông chị như bị loạn trí.

- Tha cho tôi, tôi bị điên rồi, cô chú cứ coi như tôi là thần kinh, cứ giết tôi đi.

Tôi lặng người, sự trống rỗng tràn ngập tâm hồn. Trước mắt tôi là tình trạng của một người mẹ, người chị, người bà của các cháu. Chị ấy đang hủy hoại chính nhân phẩm của mình. Tôi đã gặp ánh mắt thất thần, lén lút này mấy hôm trước khi thấy tôi thờ ơ thả hai chiếc điện thoại trên bàn sau một ngày làm việc mệt mỏi. Chị muốn lấy chiếc điện thoại cho đứa con gái vừa học hết 12. Chị không biết rằng, chỉ mấy ngày trước, vợ đã bảo riêng với tôi:

- Nếu con chị Tình thi trượt đại học, anh cố gắng đưa nó ra văn phòng, cho nó tập đánh máy rồi học thêm, sau này nó đỡ khổ.

Hai ngày sau tôi mất điện thoại, chị xin về quê. Vợ tôi buồn. Một nỗi buồn xa xót gợn lên trong đôi mắt và cả khi trở mình. Vợ gọi điện cho bạn tâm sự về ô sin.

- Mụ đó lấy, đuổi đi - chị bạn như rống lên.

- Sợ oan cho người ta - Vợ tôi vớt vát.

- Sợ oan thì phải xét - Cô phán dứt khoát. Rồi liền bồi tiếp:

- Tôi đã thay 9 đứa ô sin, tôi biết!

- Sao? - Vợ tôi hỏi lại.

“Đây!” cô bạn bắt đầu nổ một tràng, tất cả như chực sẵn chỉ việc phun ra:

- Đứa 15 tuổi, quê ở Thái Bình, đêm rình ngoài cửa phòng riêng vợ chồng.

- Đứa 18 tuổi, Thanh Hóa quê choa, trí tuệ mù lòa, làm chậm nói thô, giọng quê khê đét.

- Đứa 20 tuổi, người ở Hưng Yên, ăn vụng liên thiên, nói một cãi mười, lười như con hủi.

- Đứa 22 tuổi, là gái Tuyên Quang, hôn thằng thợ xây, suýt nữa có bầu, trước mặt con bé;

- Đứa 25 tuổi, Quê ở Hải Phòng, khêu gợi trước chồng, giả vờ đá chân, rồi còn tì ngực.

- Chị 37 tuổi, đồng hương quê mình, đồng bóng vô cùng, lấy quần áo tớ, mặc thử suốt ngày, mở đài nhảy nhót: “Yêu anh thật lâu, yêu anh đậm sâu…”

- Chị 40 tuổi, Bắc Ninh quan họ, túm tụm ôsin, trong cùng khu phố, nói xấu gia đình và con cái tớ;

- Cô 50 tuổi, Quê ở Ninh Bình, trộm quần áo bé, giấu trong thùng rác, sau đem về quê;

- Cô 58 tuổi, người gốc Nghệ An, khóc lóc trong đêm, rồi hô thật to, “Độc lập tự do, chém cha tư bản ! tau về làm chó, còn hơn đi ở với lũ bọn mày”.

Thursday, September 17, 2009

ĐỒNG VỌNG ÔSIN - TRUYỆN NGẮN ĐẦU TAY


Đây là truyện ngắn đầu tay gửi cho báo Văn Nghệ Trẻ trong nước ( đăng ở số 38).


ĐỒNG VỌNG Ô SIN (PHẦN 1)

Tôi gốc người Diễn Châu – Nghệ An.

Anh trai ông nội tôi theo Tây học, sang Pháp năm 1932. Sau bốn năm học luật ở Pháp, ông về làm quan Nam Triều, nhận sắc chỉ làm tri huyện ở Hoằng Hóa – Thanh Hóa.

Từ khi còn nhỏ, ông đã có một bà vú nuôi người cùng huyện. Ngày về làm quan, ông vời bà ra Hoằng Hóa giúp việc gia đình.

Cách mạng Tháng Tám, Việt Minh cướp chính quyền, Bảo Đại thoái vị, vứt cả vương triều An Nam, thanh thản trở thành công dân Vĩnh Thụy.

Sau Hiệp định Geneve, hai miền chia cắt. Anh trai ông nội tôi di cư vào Nam. Trong cuộc di tản nội địa đầy biến động ấy, ông bỏ lại sau lưng bạn bè, quê hương, phủ quan và thần dân nheo nhóc, theo đoàn người mà phần đông là Công giáo, xuống tàu há mồm của Canada. Cả gia đình quan Tri huyện, như chếc lá kim trên con nước lớn, sấp ngửa trôi theo dòng lịch sử.

Sau khi ông bà và các con ra đi, bà Nghĩa, người giúp việc 17 năm trong gia đình ông, lụi cụi suốt đêm thu ghém đồ đạc. Bà lục tìm trong sập gụ của quan Tri huyện Hoàng Hóa, thấy một ống bơ toàn vàng. Bà giở nón mê, cắt các sợi cước, tách lớp hai tầng lá cọ, chọn lấy những tấm vàng lá mỏng đặt vào giữa rồi khâu lại. Sau đó bà khâu chồng lên một lớp lá cọ nữa, chiếc nón trở nên nặng hơn. Những thỏi vàng hình vuông, nhẫn và lắc vàng còn lại bà cho vào ống bơ, dùng một ít bột khoai nén lại bên trên. Bà hái mấy lá trầu không, têm mười mấy miếng trầu rồi phủ lên trên cùng của chiếc ống bơ. Bà dùi hai lỗ ngang ống bơ, lấy vải gai bện lại, xâu qua rồi đeo tòng teng bên sườn.

4h 30 phút sáng, chưa rõ mặt người, bà dậy nấu cơm, ăn xong lấy trầu nhai bỏm bẻm. Bà quang gánh đứng lên, đội nón, lặng lẽ tạm biệt ngôi nhà gỗ lim bảy gian nơi anh trai ông tôi làm quan, hướng về quê hương bản quán. Bà đi bộ, nón trên đầu nặng trĩu vì vàng, bên hông lủng lẳng ống bơ đựng trầu nặng trịch vàng, đôi quang gánh lỉnh kỉnh áo mũ và các sắc chỉ Vua ban. Bà bước những bước khó nhọc về quê Diễn Châu lâu ngày xa nhớ.

Phải tận chín giờ tối hôm sau, với đôi chân bỏng rộp, Bà Nghĩa mới kết thúc 80 km từ huyện Hoằng Hóa tỉnh Thanh về đến quê hương. Bà nặng nhọc lê chân vào nhà ông tôi. Ngày đó em trai tri huyện vì giỏi võ và ủng hộ Việt Minh, được bầu lên làm công an viên của vùng nông thôn mới. Bà chậm rãi đặt gánh xuống, quỳ rạp người mà vái vị công an viên:

- Lạy này là cho cụ Tri huyện và gia đình.

Sau đó, bà nói về ân tình sâu nặng của ông bà Tri huyện. Bà mong muốn làm người hầu hạ gia đình ấy suốt đời, nhưng vì thời thế đổi thay, vận mệnh cá nhân khác xưa, nên Quan phải đi về phương Nam, Ông dặn dò bà nên trở về quê hương để sống cùng con cháu một đời sống mới trong xã hội mới.

- Đây là tất cả những gì hai Cụ để lại trước lúc đi Nam.

Bà giở nắp ống bơ vàng ra, gỡ mấy lá trầu không bên trên đã héo quắt, rồi moi vàng ra, đổ tất xuống sập gụ. Sau đó, bà nhấc chiếc nón lên, soi dưới ánh đèn, xé rách lớp lá cọ bên ngoài, gỡ từng tấm vàng đã dát mỏng, lần lượt xếp ra. Nội tôi như bị tình cảm của người giúp việc thôi miên, đứng nhìn trân trân. Nội đương nhiên hiểu rằng có bao nhiêu vàng, bà Nghĩa đã đem trả về gia tộc đầy đủ.

- Còn đây là một thứ quý hơn

Bà Nghĩa lục trong gánh tìm bộ quần áo của Quan Tri huyện, bộ áo lễ ông vẫn hay mặc vào những dịp quan trọng. Bà nâng hai tay, trịnh trọng đặt nó lên sập gụ, lần lượt xếp các sắc phong và một cuổn sổ bìa vàng, giao lại ông tôi, rồi đứng dậy thành kính chào tạm biệt gia đình.

- Thôi từ đây, cụ cho phép tôi về với các con các cháu.

Bà vĩnh biệt kiếp đời ở đợ không háo hức mừng vui mà cũng chẳng bùi ngùi thương tiếc. Bà trả lại hết, tự nhiên và thanh thản như khi làm xong một nghĩa vụ. Nội tôi cố gắng giữ bà ở lại với gia đình, nhưng bà xin cáo từ và bước vào đêm tối, lần về với con cháu ở cách đó mười cây số. Nội tôi đưa cho một ít vàng, bà Nghĩa vẫn kiên quyết không nhận. Bà nói hai cụ chủ đã trả công bà nhiều rồi, đã cho bà nên người.

Sau đó là cả một thời kỳ động loạn binh đao. Nội tôi - Công an viên thời kỳ đầu kháng chiến - lại có lúc trở thành một tù nhân. Mười hai lần nhà bị khám, sáu năm đi tù, và hơn ba năm cải tạo. Công an xới tung các viên đá lót cột nhà, đào bật gốc khế sau vườn tìm nơi giấu của. Một lần bà Nghĩa lên thăm Nội tôi ở nông trường lao cải, nói rằng công an thẩm vấn bà về tài sản ngầm của dòng họ Lê. “Có chết tôi cũng không nói". Bà bảo vậy trước lúc ra về.




Wednesday, September 16, 2009

LƯỠI CÀY TRUNG ĐỒNG


Cùng lúc đó lưỡi cày ngoài Trung Đồng của chồng bà Aí lật ngược một bộ xương người còn nhiều phần thịt trắng hớ. Thịt người bám chặt quanh ống xương đùi dài có thể là của một người thanh niên cao to, từng bó cơ xơ ra như môt miếng thịt đùi gà công nghiệp dai ăn dở. Mùi thum thủm loang cả mấy sào ruộng.

Ông Aí nhảy vọt lên bờ nhưng con trâu vẫn nhẫn nại đứng, cái cày vẫn đứng. Rồi sau đó ông cũng mon men xuống ruộng, dạng chân, bước qua xác người và tiếp tục cày. Chưa được hai phút sau, chân ông sục xuống đám bùn đặc, đạp vào giữa một cái mặt. Truốt tóc. Ông ngã lệch người, tay cầm thừng trâu quất vào cổ trâu, “tắc”. Nó đi vội, tay giữ cày vuột ra. Ông lảo đảo, vội chống tay trái xuống ruộng. Một chiếc xương gãy dắt vào giữa lòng bàn tay.

Lúc Vinh được 6 tháng tuổi thì Ông Aí chết. Người ta nói rằng trước khi chết, giòi từ khắp mọi chi thể ông, theo tuỷ xương, nối đuôi nhau đổ dồn về cánh tay và cứ lúc nhúc bò ra giữa lòng bàn tay trái của ông, nơi cái xương người chết giắt vào, Từng đoàn giòi lũ lượt trườn ra giống như kéo nhau ra sa trường. Dài, dài mãi, rơi lã tả xuống cạnh giường ông Aí và vô tư chết trước khi Ông Aí qua đời. Những con giòi đó đều mang hình mặt người, nghểnh lên, cười xoè. Chúng hồn nhiên chết trước ánh sáng vinh quang của cuộc đời.

Trước khi Vinh được sinh ra hai ba năm, vùng quê này có một cuộc nổi dậy. Cũng vài ba năm nay, rải rác đâu đó, trong nhiều thôn làng, nông dân thỉnh thoảng phát hiện ra một vài xác chết của những người cùng giai cấp. Từ “bạo lực cách mạng” đã xuất hiện nhưng không nghe rõ người nói. Nó cứ xì xào như gió như sương, lấp loáng giống như ánh sáng chiếu qua cây nhãn hắt lên tường khi gặp trời gió.

Nhiều thập kỷ sau, cháu của Vinh biết qua sách vở chính thống rằng phong trào là cuộc tập dượt cho một cuộc cách mạng vô sản và cuộc tập dượt đó đã bị giặc Pháp đàn áp trong biển máu.

Lúc đó là 5h10 sáng. Cách thời điểm đó 1900 năm, Chúa Giêsu bị bắt mang đi, Ông Phêrô-môn đệ số một của Người - vị giáo hoàng tiên khởi của Giáo hội Công giáo, người hiện được cho là đang giữ chìa khoá cửa Thiên đàng - đã chối Chúa 3 lần.

___________________

Wednesday, September 09, 2009

HAI GƯƠNG MẶT CHÍNH TRỊ GIA - CÔNG GIÁO


Trong tháng 8 năm 2009, xã hội Á Đông vĩnh biệt hai nhân vật kiệt xuất. Nhiều cộng đoàn Dân Chúa ở Á Đông cũng hiệp thông cầu nguyện cho hai người con ưu tú của Giáo Hội. Chúng ta có thể tự hào về hai người đồng đạo. Cuộc đời của họ là một nguồn cảm hứng, vì là một bằng chứng sáng lạng về Đức Tin soi đường dẫn lối cho con người và xã hội như thế nào trên vùng đất Đông Phương này. Hai người đó là bà Corazon Aqnino, nguyên tổng thống Philippines và ông Kim Dae Jung, nguyên tổng thống Hàn Quốc.


I. BÀ CORAZON AQUINO


Bà Corazon Sumulong Cojuangco sinh ngày 25.1.1933. Từ nhỏ và suốt thời niên thiếu bà đã học hành và được đào tạo trong các trường của Giáo Hội ở Philippines và ở Mỹ. Bà kết hôn với ông Beniqno Aquino. Tuy là một phụ nữ thông minh, tài sắc, bà chỉ có tham vọng là một ”bà nội trợ thường”. Trái lại, chồng bà, ông Aquino, đã sớm có thiên hướng hoạt động chính trị. Đường công danh rộng mở, mới 22 tuổi ông đắc cử thị trưởng, không bao lâu sau ông đã đắc cử thượng nghị sĩ, và được coi là một người có tiềm năng làm tổng thống. Nhưng đó chính là bước đầu để tai họa đến với ông.

Philippines lúc đó đang nằm dưới ách thống trị của tổng thống Ferdinand Marcos. Sau mấy năm mị dân, ông Marcos đã lộ rõ chân tướng là một nhà độc tài rất tham nhũng, có thể bóp nghẹt một cách tàn bạo những ai không chịu đi theo ”lề phải”. Ông Aquino được coi là nhà lãnh đạo đối lập hàng đầu. Ông Marcos toan tính sủa đổi hiến pháp để được tiếp tục ra ứng cử. Để phá tan phe chống đối, năm 1972, ông Marcos thiết quân luật, ông Aquino đi tù rồi bị tuyên án tử hình.

Trong tù, ông Aquino cầu nguyện triền miên, dự Thánh Lễ mỗi ngày ( Philippines là nước Công Giáo ), và mỗi ngày lần ba chuỗi Mai Khôi. Ở nhà, bà Aquino từ nay không cho các con đi dự các cuộc vui, bà cũng không còn lui tới mỹ viện và không còn sắm sửa y phục mới. Về sau có một Linh Mục khuyên mấy mẹ con nên cố gắng sống cuộc sống bình thường, bà mới bớt phần khắc khổ.

Năm 1978, ông Aquino đang ở tù vẫn quyết định ghi danh tranh cử tổng thống. Lúc đầu bà chống lại ý tưởng đó, nhưng về sau bà lại quyết định thay mặt chồng đi vận động tranh cử, đó là lần đầu tiên trong đời, bà đọc một diễn văn chính trị. Về sau bà thấy cô con gái Kris mới lên 6 tuổi, rất háo hức được đọc diễn văn thay cha. Thế là nhường luôn công tác ấy cho con gái. Tất nhiên đấy là một cuộc tranh cử vì nguyên tắc thôi, còn nhà độc tài Marcos thì đã làm mọi cách để thủ thắng rồi.

Năm 1980, nhờ tổng thống Mỹ là ông Jimmy Carter can thiệp, ông Marcos cho ông Aquino được cùng với gia đình lưu vong sang Mỹ. Bà Aquino cho rằng ba năm ở Mỹ là thời gian hạnh phúc nhất trong cuộc sống hôn nhân của bà. Năm 1983, ông Aquino để vợ con ở lại bên Mỹ và về Philippines một mình. Ý chừng ông lại muốn tham gia tranh cử. Nhưng ông vừa ra khỏi máy bay, còn đang trên cầu thang thì bị bắn chết. Sau đó lực lượng an ninh lại bắn chết kẻ đã bắn chết ông, ấy là vì họ có nhiệm vụ bảo vệ an ninh cho người chết !

Bà Aquino vội vã từ Mỹ về nước đưa tang chồng. Không ngờ cái chết của ông Aquino là giọt nước làm tràn ly căm phẫn của nhân dân. Hai triệu người đưa tiễn ông, tạo nên đám tang lớn nhất lịch sử Philippines. Chính quyền độc tài tưởng là đã trừ khử được một đối thủ, hóa ra lại đến ngày tàn.

Hai năm sau đó, phong trào nhân dân chống độc tài tham nhũng vần vũ khắp đất nước Philippines. Ông Marcos buộc lòng phải tổ chức một cuộc bầu tổng thống vào đầu năm 1986. Để đối mặt với nhà độc tài đang nắm trong tay mọi quyền lực và bạo lực, nhân dân suy cử góa phụ của ông Aquino. Lúc đầu bà không chịu, nhưng sau một cuộc Tĩnh Tâm trong Tu Viện, bà nhận ra rằng đó là sứ mệnh của mình vì dân, vì nước.

Cuộc bầu cử diễn ra giữa những biện pháp đe dọa và bạo động của chính quyền Marcos. Một phụ tá của bà Aquino bị ám sát, ủy Ban Bầu Cử của chính phủ thì cứ nhất định đếm phiếu cho ông Marcos thắng, phe đối lập đếm thì lại thấy bà Aquino thắng. Bà Aquino liền kêu gọi tổng đính công và tẩy chay mọi xí nghiệp do phe Marcos nắm giữ. Tình hình hết sức căng thẳng. Chính phủ của tổng thống Mỹ Reagan cử nhà ngoại giao kỳ cựu Philip Habib làm trung gian hòa giải. Ông Habib đề nghị đôi bên chia nhau quyền lực. Bà Aquino từ chối thẳng thừng.

Tới đây thì ta thấy ảnh hưởng của Giáo Hội Công Giáo. Trong các Giáo Hội láng giềng Đông Á, Đức Hồng Y Sin của Manila và Đức Hồng Y Kim của Seoul là những người không bao giờ sợ bầy tỏ thái độ mỗi khi phải vạch mặt sự bất công của bạo quyền. Chính vì vậy uy tín của hai ngài rất lớn không chỉ ở trong nước mà còn ở trên trường quốc tế. Nhiều nhà quan sát cho rằng Đức Hồng Y Sin là vị Giáo Sĩ có ảnh hưởng to lớn nhất ở Đông Nam Á.

Cùng với Đức Hồng Y Sin, các Giám Mục Công Giáo đồng tâm nhất trí lên án sự gian dối, giả trá, tham nhũng. Trên các đường phố Manila và ở khắp nơi trên đất nước Philippines, đều tập hợp những cộng đoàn cầu nguyện khổng lồ, với đủ mọi bóng dáng tu phục. Đến nước đó, thì các vị chỉ huy quân đội, tuy được ông Marcos đề bạt, nhưng đều cảm thấy rằng không thể chống lại nhân dân, đánh vào nhân dân. Thành trì của ông Marcos sụp đổ.

Trong những ngày ấy, người dân Philippines hết sức phấn khởi. Họ đã cảm nhận được tình người, tình huynh đệ giữa những người đã gắn bó với nhau trong đau khổ và trong đấu tranh cho một lý tưởng chung. Họ tự hào vì cuộc cách mạng của họ đã thành công mà không đổ một giọt máu, và do đó nêu một tấm gương sáng ngời cho một thế giới còn nhiều bạo lực.

Cả ở Philippines lẫn trên trường quốc tế, người ta đề cao bà Aquino, gọi bà là “linh ảnh của nền dân chủ” ( Icon of Democracy ). Bà cho soạn thảo Hiến Pháp mới nhằm khôi phục nếp sinh hoạt dân chủ và giới hạn quyền hành của tổng thống hiến pháp này được dân Phi bỏ phiếu ủng hộ. Bà cũng tiến hành nhiều cải cách trong hệ thống Luật Pháp, trong đó có luật Gia Đình và luật Hành Chính được ban bố năm 1987.

Thật ra, sáu năm bà làm tổng thống cũng có rất nhiều khó khăn. Có những việc bà và các người cộng sự đã làm được. Nhưng nhiều vấn đề khác cũng còn gây tranh cãi. Thậm chí những khó khăn trầm kha của xã hội Philippines cũng chưa thể nói là đã tìm được sự giải quyết rốt ráo. Hơn nữa, giới quân nhân vốn được chế độ Marcos ưu đãi, có nhiều thành phần bất mãn. Bà Aquino phải đối mặt với nhiều âm mưu đảo chính trong sáu năm bà cầm quyền, đặc biệt đau đớn đối với bà là người con trai duy nhất của bà đã bị giết trong một vụ chính biến. Tuy vậy, lòng dân là một cơ sở vững chắc khiến bà vượt qua được những khủng hoảng đó.

Tổng kết lại, bà Corazon Aquino được ghi nhớ không phải vì những thành tựu trong thời gian bà làm tổng thống, cho bằng vì bà đã là hiện thân cho những khát vọng chân chính của nhân dân Philippines, về Công Lý, về Dân Chủ vào một thời điểm quan yếu trong lịch sử. Bà thích mặc y phục mầu vàng, do đó khi người dân vùng dậy, người ta cũng đã chọn mầu vàng làm biểu tượng cho khí thế của đất nước đang thay da đổi thịt.

Trải qua mọi thăng trầm cuộc đời, Đức Tin luôn là một nguồn lực nội tâm khiến cho bà vươn lên ngang tầm nhiệm vụ khó khăn và cao quý. Hình ảnh người phụ nữ áo vàng, quỳ gối trầm ngâm với chuỗi hạt trong tay đã phổ biến trên khắp thế giới.

Được tin bà Aquino qua đời, Đức Hồng Y Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh Bertone đã nhân danh đức Thánh Cha Benedicto XVI lên tiếng ca ngợi bà là người đã “can đảm dấn thân vì sự tự do của nhân dân Philippines, bà đã cương quyết từ khước bạo lực và sự bất khoan dung, bà đã đóng góp để dựng lại một trật tự chính trị công bình và chính nghĩa cho tổ quốc thân yêu của mình. Bà là một phụ nữ có Đức Tin sâu sắc, không chao đảo. Đức Giáo Hoàng cầu nguyện cho niềm tin và niềm hy vọng đã hướng dẫn bà suốt đời nay được sinh hoa trái dồi dào”.

Nhiều nhà lãnh đạo trên thế giới cũng bày tỏ lòng mến phục đối với bà Aquino. Ví dụ tổng thống Brazin Lula Da Sylva tuyên bố “coi bà là nhà Lãnh Đạo lịch sử không riêng của dân Philippines, nhưng của tất cả những ai, ở mọi nơi đang bênh vực những giá trị dân chủ”.

Mai Minh Tâm - Hà Nội

Sunday, September 06, 2009

CHÍNH TRỊ LÀ ĐAM MÊ LẠ !


Hôm qua Người Buôn Gió được thả. Gió kể rằng khi điều tra công an nó hỏi về mình, Gió bảo "Quân thì nó làm chính trị, hoạt động chính trị rõ ràng rồi". Mình cho rằng không có vấn đề gì nằm ngoài chính trị. Nhưng "Hoạt động chính trị rõ ràng rồi" là một gợi ý lạ cần phải tiếp tục tìm hiểu và bàn bạc.

Thực tế là mình chưa bao giờ đệ đơn vào Đảng cầm quyền hoặc được ứng cử vào chức chủ tịch Phường. Chưa bao giờ ăn một đồng thuế của Nhân dân. Mình cũng giống như Gió vậy, thích thổi. Cũng giống anh Hồ vậy, mong muốn tột bực là phụng sự tổ quốc, phụng sự nhân dân !

Thế nhưng, bằng cách nào ? Luật sư Định làm hơn 200 USD/giờ, Mình thì chỉ mới được mấy hợp đồng có giá đến 175 USD/giờ. Giờ mình đi ô tô sang, nộp thuế nhiều để nuôi bộ máy vận hành theo dõi mình. Nếu kg nộp thuế thì gương anh Điếu cày là nhãn tiền, nếu giúp người nghèo thì vụ việc năm 2005 là một ví dụ, cho anh em thợ xây có 2 triệu để mua đài Radio giới thiệu nghe BBC, RFA, Chân trời mới...mà bị công an Ba Đình sách nhiễu dài lâu.

Tháng trước vì tức bọn Trung Quốc mà từ chối 1 hợp đồng 850 ngàn USD. Nếu nhận thì cũng được hơn 100 triệu. Một cậu em trách móc "anh chỉ cần 1 giờ là ta có đủ 50 cái cáo chống Bauxite". Nhưng nhờ tài trợ in áo có chừng mực nên vẫn còn ngồi để viết được. Nếu mình kiếm tiền xong đi ăn chơi đập phá thì được nhưng tài trợ in áo ghi: "Trường sa, Hoàng sa là của Việt Nam" thì gay. Kể cũng lạ !

Nhiều người thường là làm chính trị để kiếm tiền trong khi lẽ ra phải kiếm tiền để có cơ hội làm chính trị. Nhưng khi mình có tiền rồi muốn làm chính trị cũng không xong. Nhận tiền cũng chết mà tài trợ tiền cũng khốn.

Chính trị là đam mê. Nhưng để đến được đam mê đó không phải là dễ dàng. Nếu khi xưa anh Hồ tập trung vào làm ăn phát triển kinh tế, Anh có thể trở thành ông Chủ lớn, nuôi được mấy chục công nhân, đóng thuế đường hoàng. Nhưng nếu không có đam mê thực sự, thì làm sao Anh có thể "hoạt động chính trị rõ ràng" để về giải phóng dân tộc.

Đó là điều mình suy nghĩ !. "Hoạt động chính trị rõ ràng" theo bạn Gió là nhận thêm hợp đồng làm giàu rồi giúp đỡ mọi người, tài trợ in áo, mua đài radio cho họ hay mình phải học tập gương Anh Hồ khi xưa từ bỏ vợ con, vét sạch tiền nong, viết bài viết báo, hoạt động chính trị, góp phần giải phóng dân tộc khỏi tay Nước Tề.

Hy vọng ngày mai lại được gặp lại tác giả "Đại Vệ Chí Dị" để cùng nhau bàn bạc cho thông !

_______________