Wednesday, May 19, 2010

TRUNG QUỐC ĐÃ MUA ĐỨT CHÂU PHI


Lời người dịch: Trung Quốc ngày càng lấn át trên biển Đông cũng như ở biên giới phía Bắc. Không những thế, họ còn thò tay vào tận Tây Nguyên qua các dự án khai thác Bauxite. Gần đây, những cánh rừng đầu nguồn của nước ta bị họ chiếm đoạt qua những hợp đồng thuê mướn dài vài chục năm với giá hết sức rẻ mạt.


Năm ngoái, một báo cáo của bộ Xây dựng đã cho biết, họ trúng thầu hầu hết các dự án xây dựng lớn ở Việt Nam . Công nhân Trung Quốc sang làm việc chui đã nằm ngoài tầm kiểm soát của bộ Lao động và Thương binh Xã hội, gây ra nhiều tệ nạn thậm chí xung đột ở những vùng mà họ cư trú.

Ở châu Phi, Trung Quốc đã lũng đoạn cả về kinh tế lẫn chính trị. Bài dịch (1) hy vọng cung cấp tới bạn đọc một cái nhìn về hiểm họa Trung Quốc đang ngày một gia tăng với đất nước ta.


—————————————————


Nửa thế kỷ đã trôi qua kể từ những năm đáng ghi nhớ của châu Phi, khi 17 quốc gia của lục địa này cùng giành được độc lập. Ngày nay, những người châu Á – mà chủ yếu là Trung Quốc – đã thay thế các cường quốc thực dân cũ để tiếp tục các cuộc chinh phục. Và có thể, nó sẽ tạo ra cơ hội để giải quyết những bế tắc của châu Phi?

Trong các chuyến bay giữa thủ đô các nước châu Phi, thường có các hành khách đi du lịch với hộ chiếu của Trung Quốc. Tới châu Phi là các công nhân Trung Quốc, giáo viên, bác sĩ, kỹ sư, giới ngoại giao, các thương gia lớn và cả những người với mơ ước mở một cửa hàng nho nhỏ ở một nơi nào đó tại Uganda. Trong những năm gần đây, hơn 1 triệu người Trung Quốc đã tới châu Phi, ở Algeria khoảng 50.000, Angola lên tới hơn 100.000, còn ở Nigeria số người Trung Quốc sống ở đây nhiều hơn so với người Anh trong thời kỳ thuộc địa. Làn sóng di dân này bắt đầu từ mười mấy năm trước và tăng mạnh trong vài năm gần đây.

Khởi đầu vào tháng Năm 1996, khi Giang Trạch Dân đi thăm châu Phi trong lúc lục địa này đang bị phương Tây quên lãng.

Tại Addis Ababa (thủ đô của Ethiopia – ND), Giang Trạch Dân đã nói với các nhà lãnh đạo của châu lục này trong cuộc họp thượng đỉnh của Tổ chức châu Phi Thống nhất rằng: Các công ty Trung Quốc sẽ làm cho các cửa hàng ở châu Phi đầy ắp hàng hóa, còn châu Phi sẽ cung ứng nguyên liệu để Trung Quốc – nhà máy của thế giới – sản xuất hàng hóa cung cấp cho toàn cầu…

Trung Quốc đã nhận ra một điều hết sức đơn giản: Có thể mua tận gốc tài nguyên thiên nhiên, khoáng sản từ các nhà khai thác và không phải thông qua các trung gian tại Thị trường Nguyên liệu London (LME), nơi thường áp đặt giá khoáng sản cho cả thế giới- ông Richard Dowden, giám đốc của Hiệp hội Hoàng gia châu Phi, có trụ sở tại London giải thích.

Tiếp cận kiểu Trung Quốc

Tại Addis Ababa và thủ đô của một số nước khác, Giang Trạch Dân đã đưa ra nhiều nguyên tắc theo kiểu Trung Quốc. Đổi lại việc kinh doanh, nhượng quyền khai thác mỏ, khai thác dầu hỏa, quyền mua đất, Trung Quốc sẽ xóa nợ, viện trợ và đầu tư lớn, xây dựng các đập nước, trường học, bệnh viện, dinh tổng thống, xây dựng lại đường giao thông bị hư hỏng, cầu cống, đường sắt, hải cảng.

“Ngoài tiền bạc, Trung Quốc cũng cam kết sẽ ủng hộ các chính phủ ở châu Phi”, ông Princeton N. Lyman – chuyên gia của Hội đồng Quan hệ Quốc tế ở Washington, đồng thời là cựu Đại sứ Mỹ tại Nigeria và Nam Phi – nói.

Trung Quốc đã ban tặng cho các nước châu Phi tình hữu nghị vô điều kiện và họ cũng không tiếc lời khen ngợi dành cho kẻ độc tài ở Sudan là Omar al-Baszir, người đang bị tòa án Quốc tế Hague truy nã về tội ác diệt chủng khoảng 250.000 thường dân.

Trung Quốc đã nói với các chính trị gia châu Phi rằng: Chúng tôi là những người anh em của các bạn, chúng tôi không phải là thực dân giống như những người châu Âu hay người Mỹ. Chúng tôi không nói với các bạn rằng, các bạn cần phải làm gì và quản lý đất nước ra sao, cũng không đề cập đến nhân quyền mà chỉ làm sao để 2 bên cùng có lợi. Những lời đường mật này rót vào tai Bashir, người sau đó đã cho Trung Quốc khai thác các giếng dầu Sudan , nơi sẽ cung cấp một phần mười lượng dầu nhập khẩu của Trung Quốc.

Sau hơn chục năm, các chính sách của Giang Trạch Dân đã đạt được kết quả mong đợi. Trung Quốc trở thành nhà đầu tư lớn nhất tại châu Phi và là nhà cung cấp viện trợ phát triển lớn thứ 2 sau Mỹ – Giáo sư Scarlett Cornelissen, người đứng đầu Trung tâm Nghiên cứu Trung Quốc tại Đại học Stellenbosch ở Nam Phi, người đã nhiều năm theo sát hoạt động của Trung Hoa trên lục địa này- phát biểu.

Năm 1996, năm mà Giang Trạch Dân tới châu Phi, kim ngạch thương mại giữa châu Phi và Trung Quốc ước tính mới khoảng 5 tỷ USD.

Trong năm 2008, kim ngạch giữa Trung Quốc với châu lục này đã tăng 20 lần, vào khoảng hơn 100 tỷ Mỹ kim. Một phần tư trong tổng kim ngạch này là từ Angola, nơi cung cấp 16% trong tổng lượng dầu nhập khẩu của Trung Quốc – nhiều hơn Iran, một đối tác truyền thống và đồng minh đắc lực của Bắc Kinh. Ngoài ra, dầu hỏa từ 2 quốc gia châu Phi khác là Libia và Nigeria cũng không ngừng chảy vào Trung Quốc.

Các quốc gia như Nam Phi, Equatorial Guinea , Zambia , Zimbabwe và Congo thì trở thành nguồn cung cấp kim loại quý, kim cương và gỗ cho Hoa lục. Người ta tính, cứ 10 cây bị đốn ở Châu Phi thì có 7 cây được chở tới Trung Quốc. Dòng chảy ngược lại từ phía Trung Quốc bao gồm máy móc, điện thoại di động, thuốc, xe hơi và quần áo. Chưa có bao giờ, các sản phẩm như Coca-Cola đến được những vùng sâu, vùng xa nhất của châu Phi. Bây giờ, ở những nơi đó, trong những quầy hàng là những lon Coca- Cola và những chiếc bát nhựa màu đỏ, đèn pin và đồ điện tử… Tất cả đều cực kỳ rẻ và được sản xuất tại Trung Quốc.

“Đối với nhiều người dân châu Phi, đây là lần đầu tiên trong đời, họ có đủ tiền để mua một chiếc radio hay một cái đồng hồ” - ông Dowden nói.

Trái ngọt từ châu Phi

Chiếc cầu Vàng ( Golden Bridge ) được xây dựng ở một nơi nghèo đói và bụi bặm, thuộc Lusaka . Kiến trúc sư Trung Quốc, không phải ngẫu nhiên, đã thiết kế giống như hình dáng của một ngôi chùa với chiếc mái cong cong. Họ muốn rằng, những người Trung Quốc sống ở đây, sẽ cảm nhận được bầu không khí của quê hương.

Nơi đây không thiếu người Trung Quốc: trong khu vực Lusaka , có vài ngàn người Trung Quốc đang sống và liên tục xuất hiện những người mới tới. Đây là vùng có trữ lượng đồng rất lớn thuộc Zambia mà Trung Quốc luôn quan tâm. Thực ra, họ nhòm ngó đến bất kỳ lĩnh vực nào của nền kinh tế, với mục đích đoạt quyền sở hữu các mỏ.

Trong tháng Ba vừa rồi, Trung Quốc đã mở lại các mỏ nickel ở Munali, mà một công ty khai thác mỏ của Úc đã bỏ vì lợi nhuận không đáng kể. Năm ngoái, đầu tư của Trung Quốc tại Zambia đạt 1,2 tỉ đô la (gần bằng một nửa tổng đầu tư nước ngoài vào đất nước này). Người ta tính rằng, cứ bỏ ra 11 triệu để đầu tư thì có thể mang lại 25.000 việc làm mới. Bất chấp những bất ổn của nền kinh tế toàn cầu trong năm qua, đầu tư của Trung Quốc ở châu Phi tăng 40% so với năm 2008 và đó chưa phải là kết quả cuối cùng, họ đang chuẩn bị các dự án tiếp theo, với tổng trị giá là 5,5 tỷ USD.

“Các công ty Trung Quốc hoạt động không chỉ ở những nơi yên ổn như Zambia . Họ xâm nhập cả vào những khu vực mà không người da trắng nào dám ló mặt tới” - Richard Dowden nói. Chẳng hạn, tại mỏ dầu hỏa ở Ogaden, nơi vẫn đang tranh chấp giữa Somalia và Ethiopia . Trong năm 2005, mấy kỹ sư Trung Quốc đã bỏ mạng ở đó. Nếu như các công nhân của hãng dầu khí Shell hay BP bị thiệt mạng thì những công ty này sẽ ngay lập tức quyết định dừng khai thác. Các công ty phương Tây không thể vì lợi nhuận mà bất chấp tính mạng của các kỹ sư của công ty mình. Trong khi đó, những nhà khai thác dầu mỏ Trung Quốc không mảy may xúc động và vài ngày sau đó họ tìm ngay những kỹ sư khác thay thế.

Không còn bất kỳ chỗ nào ở châu Phi mà không có sự hiện diện của người Trung Quốc. Trong 53 quốc gia của châu lục này, Trung Quốc đã có đại diện ngoại giao tại 49 nước, bao gồm 37 đại sứ quán, nhiều hơn cả Hoa Kỳ. Ví dụ như Gabon. Liệu có mấy ai trong chúng ta biết tới đất nước này không? Đó là một nước nhỏ ở châu Phi, nơi có sản phẩm chủ yếu là lạc (đậu phộng). Vậy mà giữa Trung Quốc và Gabon (dân số 1,5 triệu người, diện tích bằng 2/3 của Việt Nam- ND) đã có sự hợp tác khai thác dầu mỏ, mangan và gỗ. Lợi nhuận của Trung Quốc đã được chính chủ tịch Chủ tịch Hồ Cẩm Đào đảm bảo trong chuyến thăm Gabon năm 2004. Đón ông chủ tịch ngay tại sân bay là Đại sứ đặc mệnh toàn quyền nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa ở Libreville (thủ đô của Gabon ). Trong cùng năm đó, lãnh đạo độc tài của Gabon , Omar Bongo cũng tới thăm Bắc Kinh. Gabon hiện là nhà cung cấp gỗ lớn nhất của châu Phi cho Trung Quốc và là một đối tác quan trọng về dầu khí.

Mục đích sâu xa

- Ngược lại với Hoa Kỳ và Liên minh châu Âu, Trung Quốc đã mở một cuộc tấn công trên quy mô lớn trong lĩnh vực ngoại giao với cố gắng mua chuộc Châu Phi – Justin Szczudlik Tatar, một nhà phân tích thuộc Viện Quan hệ Quốc tế Ba Lan lưu ý như vậy.

Bước phát triển trong mối quan hệ Trung-Phi là năm 2006, năm được Trung Quốc công bố là “Năm châu Phi”. Hội nghị thượng đỉnh các nhà lãnh đạo châu Phi được tổ chức tại Bắc Kinh. Trong những ngày đó, trên nhiều đường phố Bắc Kinh, giao thông bị cấm, các nhà máy gây ô nhiễm bị tạm đóng cửa. Thành phố treo đầy áp phích chào mừng các vị vua, vị tướng, tổng thống và thủ tướng của các nước châu Phi.

Mặc dù có những hạn sạn nhỏ, như trên một số áp phích, không phải là hình ảnh những người châu Phi mà là hình những người Papuasi với những mẩu xương đeo trên cánh mũi, Hội nghị thượng đỉnh vẫn là một thành công lớn trong chính sách đối ngoại của Trung Quốc. Các nhà lãnh đạo châu Phi, xếp hàng từng người một, nhích dần trên thảm đỏ để tới bắt tay hai người đàn ông thấp lùn trong bộ comple – Chủ tịch Hồ Cẩm Đào và Thủ tướng Ôn Gia Bảo – đang đứng trong hành lang tại Đại lễ đường Nhân dân ở Quảng trường Thiên An Môn. Không còn nghi ngờ gì nữa, người ta biết, quốc gia nào mạnh nhất ở Châu Phi.

Đó là miếng bánh ngọt (2) dành cho châu Phi, mà trước đó, Hoa Kỳ, Liên minh châu Âu hay Liên Xô thời còn tồn tại cũng chưa bao giờ nghĩ ra. Tại Bắc Kinh, các thỏa thuận cụ thể được đưa ra, Trung Quốc sẽ gia tăng trợ giúp, đề xuất các khoản tín dụng và xóa nợ.

Tháng mười một năm ngoái, Hội nghị thượng đỉnh Trung Quốc-Châu Phi lại được tổ chức. Lần này tại Sharm el-Sheikh, trong khu nghỉ mát Ai Cập, quy mô nhỏ hơn, nhưng hứa hẹn nhiều hơn: 10 tỷ USD tín dụng ưu đãi dành cho các chính phủ, cộng với một tỷ cho các khoản vay đối với các doanh nghiệp nhỏ và vừa, 3 tỷ để hỗ trợ các công ty tư nhân Trung Quốc hoạt động tại châu Phi. Trung Quốc cũng hứa hỗ trợ cho những khu vực kém phát triển, miễn giảm thuế, xây dựng từ 3 tới 5 trung tâm hậu cần để đào tạo khoảng 1.500 giáo viên, cấp 5.500 xuất học bổng cho học sinh, tăng số lượng các trung tâm tư vấn nông nghiệp lên 20 và xây dựng 50 trường học Hữu nghị Trung Quốc-Châu Phi.

Sự hào phóng của Trung Quốc khác xa với hoạt động từ thiện, nó bắt nguồn từ một nguyên nhân còn quan trọng hơn chuyện dầu khí hay quặng đồng. Cộng sản Bắc Kinh muốn tranh thủ sự ủng hộ của các nước châu Phi với cuộc chiến của họ trong việc thực hiện chính sách “Một Nước Trung Quốc“, theo đó Đài Loan là một phần lãnh thổ của Trung Quốc.

Trong những năm gần đây, mối quan hệ tế nhị này đã dẫn tới việc mười mấy nước châu Phi cắt đứt quan hệ với Đài Loan… Bắc Kinh đã bỏ ra hàng tỷ đô để đổi lấy các lá phiếu của các nước châu Phi tại Liên Hợp Quốc, ở Tổ chức Thương mại Quốc tế (WTO), hoặc – gần đây nhất – tại hội nghị Thượng đỉnh bàn về khí hậu ở Copenhagen.

Mạc Việt Hồng

Dịch từ tuần báo “Polityka” Ba Lan, tháng 3/2010. Bài viết mang tên “Azja kupuje Afrykę: Nowe kolory czarnej Afryki”. Tác giả Jędrzej Winiecki viết từ Lusaka

Thursday, May 13, 2010

THẾ LÀ CHA ĐÃ RA ĐI !

Thế là Đức Tổng Giam Mục Giuse kính yêu - Ngô Quang Kiệt - đã ra đi.
Nhớ, nhớ và cảm phục lắm ! Bài từ biệt sau đây của Ngài đã nói hết với chúng ta.
Có một điều đặc biệt mà chưa mấy ai nói lên đó là: Ngài có một trí nhớ tuyệt vời.






Tuesday, May 11, 2010

BÌNH LUẬN VỀ BÀI DIỄN TỪ CỦA ĐỨC CHA NGUYỄN CHÍ LINH


Sau khi đọc Bài của Đức Cha Nguyễn Chí Linh – Phó Chủ tịch HĐGMVN trong buổi lễ hôm 7/5, tôi có một số bình luận sau đây:

1. Đây là một bài diễn từ ngắn nhưng ý lớn và sâu. Lớn là vì Ngài đã thẳng thắn đụng đến một vấn đề “không thể phủ nhận được”. Dù dân Chúa có nhiều thành phần, mức độ tiếp cận thông tin khác nhau, nhưng những ai quan tâm đều biết rằng sự bổ nhiệm là “có gây ra tranh cãi”. Cá nhân tôi đã từng có cuộc tranh luận nảy lửa về vấn đề này cách đây gần 1 tháng. Hàng ngàn tín hữu vẫn còn có vô vàn câu hỏi trong đầu cần giải thích. Sâu là vì Ngài đã nói về một vấn đề có tính xã hội dưới góc nhìn đức tin. Khi đặt nền tảng trên “mẫu số chung là lòng yêu mến giáo hội” Ngài đã hóa giải được vấn đề khác biệt về cách hành động đồng thời sự ràng buộc về chiều kích tâm linh cho phép tín hữu “hiến tế quan điểm riêng”.

2. Đây là một phát biểu xoáy đúng trọng tâm của vấn đề. Cách đây gần một tháng, cuộc tranh luận của chúng tôi cũng bắt đầu bằng việc “thông tin”. Con người bị tác động bởi thông tin và truyền thông. Chúng ta có rất nhiều ví dụ kinh hoàng trong lịch sử về việc này, giáo hội cũng như xã hội. Một lời nói dối được truyền thông có thể gây ra cả một cuộc chiến, một sự thật được truyền thông có thể đem lại hòa bình. Tự do báo chí cung cấp cho ta nhiều luồng thông tin nhưng đòi buộc chúng ta “học bài học biện phân cách bình tĩnh”. Điều này xã hội và giáo hội Việt Nam đang rất thiếu và Đức Cha đã coi sự kiện vừa rồi như một cơ hội cho tất cả những ai muốn có một cái nhìn rộng hơn, sâu hơn để ra quyết định đúng hơn.

3. Đây là một bài diễn từ có ý nghĩa lớn cho xã hội. Bài này gây bất ngờ với nhiều người, kể cả những người cấp tiến và bảo thủ, cả trong và ngoài giáo hội. Nó gợi mở những suy tư lớn lao hơn cho các vấn đề thời cuộc. Ngài đề cập đến “tất cả những ai có thiện chí với quê hương đất nước” cả “trong nước và hải ngoại” đều có thể góp sức. Dù rất kín đáo, ta thấy bài diễn từ đề cập đến những giá trị tốt đẹp của việc “tôn trọng ý kiến khác biệt”. Nó ghi nhận sự phát triển, tố giác sự độc đoán và âm thầm ủng hộ đa nguyên. Không phải suy nghĩ sâu ta cũng thấy một ý của Ngài là dù quốc gia hay cộng sản, cực đoan hay dân chủ, nếu biết đặt quyền lợi dân tộc lên trên hết, tất cả chúng ta có thể làm cho đất nước Việt Nam mạnh lên như mong muốn của Đức Tổng Giuse phát biểu ngày nào.

4. Dưới góc độ cá nhân, bài phát biểu này đã đem lại cho tôi Bình an và Hy vọng. Là một tín hữu đang sinh hoạt tại giáo xứ Thái Hà, tôi đã được can dự vào nhiều công việc của giáo hội và có nhiều thông tin. Thời gian gần đây tôi cảm thấy giảm sút bình an và hy vọng. Bài Phát biểu của Đức Cha đã “vượt ngưỡng” nên như một điểm sáng cao hơn thu hút được các góc nhìn khác nhau hướng về cùng một điểm. Nó làm nhẹ những náo loạn, dịu những bức xúc, tưới nước yêu thương và gây mầm lộc mới. Tôi hy vọng vì thấy điều một người bạn ngoại đạo nói cách đây 2 tuần là đúng: “Cậu yên tâm, các Ông Cha giỏi thế thì tự họ sẽ nghĩ ra cách giải quyết thôi”.

Xin chân thành cám ơn Đức Cha

BẮT TAY HY SINH MỘT THÁNH NHÂN


Một trở ngại lớn trong mối quan hệ ngoại giao giữa Việt Nam và Vatican dường như đã được gỡ bỏ với sự từ chức của một lãnh đạo hàng đầu Thiên Chúa giáo Việt Nam đồng thời là một người chỉ trích chính phủ.


Giuse Ngô Quang Kiệt là Tổng Giám mục (TGM) giáo phận Hà Nội trong 5 năm qua, coi sóc các giáo xứ thuộc giáo phận Hà Nội và các giáo xứ chiếm một phần ba miền Bắc. Giám mục (GM) Kiệt ủng hộ các cuộc thắp nến cầu nguyện kêu gọi trả lại các tài sản của giáo hội đã bị chính phủ tịch thu, đồng thời đòi hỏi tự do tôn giáo.

Chính quyền Việt Nam, vốn thường xuyên bị cáo buộc vi phạm quyền tự do tôn giáo, hy vọng có thể dập tắt tiếng nói của nhà chỉ trích về nhân quyền, đặc biệt tại Hoa Kỳ, bằng cách thiết lập đầy đủ quan hệ ngoại giao với Tòa Thánh. Việt Nam, với khoảng 6 triệu giáo dân Thiên Chúa giáo, là quốc gia có dân số Thiên Chúa giáo lớn thứ nhì ở Đông Nam Á, chỉ sau Phi Luật Tân.

GM Pierre Nguyễn Văn Nhơn, 72 tuổi kế vị GM Ngô Quang Kiệt, 57 tuổi, được Vatican bổ nhiệm để trở thành đồng TGM giáo phận Hà Nội vào ngày 22 tháng Tư. Theo các quan sát viên giáo hội, việc bổ nhiệm này là một điều bất thường, bởi lẽ đồng TGM thông thường được chuẩn bị để sau cùng nắm giữ chức vị TGM. Không chỉ GM Nhơn lớn hơn GM Kiệt 15 tuổi, GM Nhơn sẽ chính thức trở thành TGM bất kỳ lúc nào.

Gậy mục tử: Cây gậy của người chăn cừu từ ngàn xưa đóng ba vai trò chính: chỗ dựa, dụng cụ, và vũ khí. Gậy còn đó, mục tử đi đâu, về đâu?

Quan hệ giữa Việt Nam cộng sản và Tòa thánh luôn có vấn đề. Hai vấn đề dai dẳng đó là việc giải quyết các tài sản của giáo hội – bắt đầu từ năm 1954 tại miền Bắc và sau năm 1975 ở miền Nam – và việc bổ nhiệm hàng giáo phẩm.

Không giống như Trung Quốc, quốc gia đã cắt đứt quan hệ với Vatican và thiết lập giáo hội quốc doanh, Hà Nội cho phép một giáo hội Thiên Chúa giáo tồn tại dưới sự kiểm soát của Vatican. Trên thực tế, các giới chức Việt Nam giới hạn việc phong chức sắc hàng giáo phẩm và thông qua tất cả các bổ nhiệm của Vatican. Điều này dẫn đến hàng lãnh đạo của Thiên Chúa giáo Việt Nam dễ sai bảo.

Không có điều gì trong lý lịch GM Kiệt cho thấy ngài là một nhà bất đồng chính kiến. Tuy nhiên sau khi trở thành TGM Hà Nội, ngài đã khơi dậy hàng loạt cuộc thắp nến cầu nguyện với các tín hữu trung thành. Cuối năm 2007, giáo dân Thiên Chúa giáo bắt đầu tụ hợp với hàng ngàn người tại nơi trước đây là Tòa Khâm sứ của Vatican tại Hà Nội, vốn bị tịch thu vào những năm của thập kỷ 50.

Sau hàng loạt cuộc thắp nến cầu nguyện chưa từng có nhằm yêu cầu việc hoàn trả Tòa Khâm sứ, các giới chức thành phố dường như chấp thuận các yêu cầu với điều kiện là các cuộc cầu nguyện chấm dứt. Nhưng sau đó chính quyền Hà Nội thay đổi ý định này và thay vì trao trả tài sản của giáo hội, họ cho ủi sập và xây thành công viên.

Vào năm 2008, các cuộc cầu nguyện lan rộng đến giáo xứ Thái Hà tại Hà Nội, cũng về các tài sản bị tịch thu của giáo hội. Chính quyền Hà Nội đã giải tán các cuộc cầu nguyện ôn hòa và sau đó kết án 8 giáo dân Thái Hà với tội gây rối trật tự công cộng và phá hoại tài sản. Có các tin đồn rằng GM Kiệt có thể bị bắt giữ.

Báo “lề phải” đã đồng loạt công kích GM Ngô Quang Kiệt, gọi ngài là người không yêu nước và là kẻ xúi giục tạo nên các xáo trộn xã hội, và liên tục kêu gọi bãi nhiệm ngài. Chủ tịch ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội khiển trách ngài bằng văn thư và nhiều lần chỉ trích trên phương tiện truyền thông và với các phái đoàn ngoại quốc.

Tại một cuộc họp với các nhà ngoại giao, một quan chức Hà Nội nhấn mạnh rằng, “Một số linh mục, được GM Giuse Ngô Quang Kiệt chỉ đạo, đã lợi dụng niềm tin của giáo dân và sự thiếu hiểu biết luật pháp của họ, cố ý vi phạm pháp luật và hành động trái với quyền lợi của đất nước và giáo hội".

Trong năm qua, cầu nguyện lan rộng ra các giáo xứ khác. Tại địa phận Vinh thuộc miền Bắc Trung phần, nơi có đông giáo dân Thiên Chúa giáo, nửa triệu giáo dân, theo tường trình, đã phản đối việc công an cảnh sát hành hung các giáo dân vào tháng 7 năm 2009.

Trước tình hình này, Chủ tịch Nguyễn Minh Triết viếng thăm Giáo hoàng Benedict vào tháng 12 năm 2009, sau chuyến thăm lịch sử đến Vatican của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng vào năm 2007. Hai phía được báo chí đưa tin là đang thảo luận cho việc bình thường hóa quan hệ ngoại giao.

Sau cuộc gặp gỡ giữa Nguyễn Minh Triết và Giáo hoàng, GM Kiệt đi Roma với lý do chữa bệnh. Các trang mạng thuộc Thiên Chúa giáo Việt Nam tường thuật rằng Triết đòi hỏi Vatican loại bỏ GM Kiệt như là một điều kiện cho việc thiết lập mối quan hệ tốt hơn. Đòi hỏi này, nếu đúng sự thật, phù hợp với giọng điệu của các tờ báo quốc doanh.

Ngay sau khi trở về Việt Nam vào tháng Tư vừa qua, GM Kiệt thông báo rằng ngài nghỉ hưu vì “lý do sức khỏe.” Việc thoái chức của ngài, dù không bất ngờ, là một thất vọng đối với nhiều người Việt Nam – Thiên Chúa giáo hoặc không Thiên Chúa giáo, vốn cảm phục sự lãnh đạo can đảm của ngài. Có một vài thỉnh cầu trên mạng đã được thiết lập nhằm kêu gọi Giáo hoàng Benedict giữ GM Kiệt trong chức vị TGM Hà Nội.

Cộng đồng Thiên chúa giáo Việt Nam tại hải ngoại là một nguồn đóng góp tài chính quan trọng cho giáo hội tại Việt Nam. Họ cũng là trong số những nhóm có tiếng nói mạnh mẽ vận động chính phủ và quốc hội Mỹ đưa Việt Nam trở lại danh sách “các quốc gia cần quan tâm đặc biệt” vì các vi phạm các quyền tự do tôn giáo.

Tại Việt Nam, các blogger tuyên dương “Tinh thần Ngô Quang Kiệt”, đồng thời so sánh ngài với các thánh tử đạo tiên phong của giáo hội Việt Nam. Lê Quốc Quân, một luật sư nhân quyền, viết rằng không thể có một giáo hội hiệp nhất nếu không có tiếng nói của các tín hữu trung thành. Ông Quân nhận định rằng người Thiên Chúa giáo tại Việt Nam đã biểu lộ sức mạnh của họ và đang thay đổi giáo hội từ hạ tầng đi lên.

Nếu Giáo hoàng Benedict có cuộc viếng thăm trọng đại đến Việt Nam, như Giáo hoàng John Paul đã từng đến Cuba, ngài sẽ gặp gỡ những tín đồ trung thành được Ngô Quang Kiệt – một lãnh đạo tôn giáo theo khuôn mẫu của John Paul II– truyền cảm hứng.

(*) Tựa bài do dcctvn.net đặt

Bản dịch của Nguyễn Hùng Kiệt

Nguồn: http://chuacuuthe.com

Bài tiếng Anh: http://www.atimes.com/atimes/Southeast_Asia/LE07Ae02.html

NHÂN SỰ CHÍNH QUYỀN VÀ GIÁO HỘI VIỆT NAM


NHÂN SỰ CÔNG GIÁO VẦ CHÍNH QUYỀN VIỆT NAM

Luật sư. Lê Quốc Quân

Vào lúc Đảng cộng sản gồng mình chạy đua cơ cấu chức vụ trong Đại hội XI đang đến, thì Gíao hội Công giáo Việt Nam cũng đang căng mình trước những diễn biến dồn dập về nhân sự.

Khác với Trung Quốc là nơi các thế hệ lãnh đạo thường được đào tạo và quy hoạch trước khá lâu giống như truyền thống lập thái tử.

Việt Nam đứng trước một cuộc khủng hoảng dai dẳng về lãnh đạo và luôn có những cuộc đua gay cấn đến tận phút chót.

Hiện đang có cùng cảnh ngộ giữa Giáo hội Công giáo và Chính quyền Việt Nam trong vấn đề nhân sự.

Thông thường giáo hội luôn có sự kế tục cẩn thận nhưng vì bị đóng cửa trường Dòng hơn 20 năm nên Giáo hội đang có độ “hẫng” nhất định.

Khác với Giáo Hội Trung Quốc là nơi chính quyền quyết định vấn đề nhân sự không liên quan đến Vatican.

Ở Việt Nam, sau một thời gian dài đàm phán, hai bên đã hình thành được một "cơ chế đặc biệt" là Giáo Hội lựa chọn và bổ nhiệm nhưng phải có sự đồng ý của chính quyền.

Cơ cấu vùng miền ?

Về mặt chính quyền, miền Bắc thường nắm chức Tổng bí thư và Chủ tịch Quốc hội, miền Trung Chủ tịch nước và miền Nam làm Thủ tướng.

Tuy nhiên trong nhiệm kỳ hiện tại, có cuộc "mặc cả vĩ đại" giữa phái miền Nam và phái Thanh Nghệ để cho người xứ Nghệ hai vị trí quan trọng trong Bộ Chính trị trong khi miền Nam giữ cả Chủ tịch nước và Thủ tướng.

Một trong những người Nghệ nắm giữ vị trí quan trọng nhất nhưng lại ít xuất hiện nhất là Trưởng ban Tổ chức Trung ương - Hồ Đức Việt, người thay ông Phạm Quang Nghị làm Bí thư Trung ương từ tháng 8 năm 2006.

Không chỉ thắng lớn ở mặt Nhà nước, ngày 22 tháng 4 vừa qua, Tòa Thánh đã bổ nhiệm Đức Cha Nguyễn Văn Nhơn 72 tuổi là người gốc miền Nam làm Tổng Giám mục Phó Hà Nội với quyền kế vị, được cho rằng sẽ thay thế Đức Tổng Gíam Mục Ngô Quang Kiệt ở độ tuổi 58 xin từ chức vì "lý do sức khỏe".

Có tin cho rằng chính quyền liên tục vận động với Tòa Thánh để những vị giám mục người Miền Nam, vốn "hiền lành" và có mặc cảm của kẻ chiến bại, tiếp tục có những vị trí cao hơn trong Giáo Hội.

Ngày 7/5 vừa qua tại Hà Nội đã có một buổi lễ đón chào Tân Tổng Gíam mục Phó với nhiều hoạt cảnh vui buồn lẫn lộn.

Có tin nói rằng Dòng Tu Châu Sơn ở Ninh Bình đã dành một tòa nhà để Đức Cha Kiệt dưỡng bệnh ngay cạnh tòa nhà đã đón tiếp Chủ tịch Hồ Chí Minh khi ông mời Đức Cha Lê Hữu Từ lên làm cố vấn Chính phủ vào năm 1945.

Quan hệ giữa Việt Nam và Vatican hết sức phức tạp trong hàng trăm năm qua và hai bên đã không có quan hệ ngoại giao hơn nửa thế kỷ.

Năm nay, kỷ niệm 15 năm Bình thường Hóa Quan hệ với Washington, Hà Nội cũng muốn in dấu chân mình tại thành Rome, mở đường cho Đức Giáo Hoàng thăm Việt Nm vào năm 2011 sau khi cả Thủ tướng và Chủ tịch nước Việt Nam đã yết kiến Ngài tại Rome vào năm 2007 và 2009.

Mỹ là một đất nước chính trị thực dụng sẵn sàng bỏ qua các dị biệt để thăng hoa quan hệ ngay lập tức nếu thấy cần thiết.

Thế nhưng Vatican là một quốc gia tinh thần nên điều mà họ hướng tới là bang giao có thực sự đem lại sự thăng tiến chung cho các giáo hữu hay không.

Do vậy, hơn 20 năm đàm phán để hướng tới việc bình thường hóa còn ngổn ngang nhiều vấn đề mà các bên đều tính toán kỹ, bao gồm cả “hy sinh” và “cất nhắc” một vài người.

Lần ra quyết định này có vẻ vội vàng, khác hẳn với truyền thống “chậm như Rome – Lent de Rome” càng để lại trong lòng người nhiều thắc mắc, suy tư.

Ai ghi điểm?

Trong cơ chế của Nhà nước, thông thường một vị ủy viên Bộ Chính trị có thể bảo lãnh và “đôn” được một bộ trưởng, còn một ủy viên trung ương đảng được quyền giới thiệu một thứ trưởng.

Từ đó trong cơ cấu quyền lực của Nhà nước hình thành vô số đường dây và “rễ, chuỗi”.

Trong Giáo hội, các Đức Ông làm việc tại Bộ Ngoại Giao thường là người cố vấn cho Đức Giáo Hoàng trong việc sắp xếp nhân sự với sự tham vấn của giáo quyền địa phương.

Lần này một quan chức quan trọng của Vatican là Đức Ông Francis Cao Minh Dung, được cho là có vai trò quyết định.

Nếu Đức Tổng Kiệt ra đi, việc bình thường hóa với Vatican có thể xảy ra và Đức Ông Dung có thể sẽ trở thành vị trí Sứ Thần đầu tiên tại Việt Nam.

Việc Giám mục Kiệt ra đi còn ghi điểm cho ông Phạm Quang Nghị vì nó khẳng định rằng việc làm của chính quyền Hà Nội là đúng.

Một cuộc chơi mới

Bề ngoài có vẻ như Chính quyền đang thắng thế và can thiệp càng sâu hơn vào Giáo hội nhưng giáo dân Công giáo Việt Nam cũng đã tiến thêm một bước.

Các buổi cầu nguyện cho công lý, đượm màu thánh thiêng, xuất phát từ dưới lên, không còn đơn thuần là vấn đề tôn giáo mà đang được xem như là một phản kháng dân sự.

Truyền thông Công giáo và dân báo đã khẳng định vị trí của mình.

Nhiều mục tử đã dấn thân mạnh mẽ hơn vào các vấn đề xã hội ngày càng sâu rộng.

Các con chiên có vẻ đã biết kết hợp tạo thành các tổ chức xã hội dân sự như giới doanh nhân, tri thức, công chức, sinh viên Công giáo vào thời điểm có tin rằng đảng Cộng sản sẽ phải thu mình lại, nhường chỗ cho sự lớn lên của xã hội dân sự, biến từ con hổ thành chú mèo vào thời điểm Canh Dần bước sang Tân Mão.

Buổi lễ đón Đức Cha Nhơn đầy huyên náo hôm nào là chỉ dấu cho thấy giáo dân mạnh dạn hơn trong việc cất lên tiếng nói đối với các vị chủ chăn của mình.

Và khi cả Vatican mà giáo dân còn không sợ thì không một chính quyền nào có thể “bịt miệng” họ lại.

Mặc dù chỉ chiếm hơn 10% dân số nhưng người Công giáo là một khối.

Đó là vũ khí tốt trong nền chính trị hiện đại và ai đang sở hữu kho vũ khí chiến lược kiểu này sẽ có cơ hội thắng thế trong Chính Quyền và Giáo quyền tương lai tại Việt nam.

Hà Nội những ngày đầy “mưa phùn”

http://www.bbc.co.uk/vietnamese/forum/2010/05/100510_vn_catholicism_state.shtml