Tuesday, September 28, 2010

BỨC THƯ CỦA QUAN THAM BỊ TỬ HÌNH


Văn Cường nguyên Giám đốc Sở Tư pháp, nguyên Phó Giám đốc Sở Công an Tp. Trùng Khánh- TQ, do phạm tội tham ô (nhận hối lộ hơn 12 triệu NDT, không thuyết minh được số tài sản trị giá hơn 10 triệu NDT..) hủ hóa, bao che cho bọn mafia.. đã bị toà án thành phố này tuyên án tử hình ngày 7/7/2010.

Trước khi chết, đồng chí Cường đã để lại bức thư, xin lược dịch giới thiệu để bà con đọc cho zui.

“Ta sống không nổi mấy ngày nữa đâu. Ta không ngờ lại bị phán tử hình, nhưng đã đến bước đó thì kháng cáo lên trên cũng chẳng có kết quả gì. Ta đây, cả cuộc đời làm công an, đã xử rất nhiều vụ án lớn, đã giết rất nhiều người, trước đây đã từng lo rằng sẽ có một ngày sẽ chết trong tay người nhà một số kẻ bị mình xử tử, không ngờ cuối cùng lại bị chết trong tay đồng chí của mình…Thế nhưng, ta đã nghĩ ra, những sự việc mà ta tham dự và biết được quá nhiều, nếu ta không chết sẽ có rất nhiều đồng chí ăn không ngon ngủ không yên. Không giết ta, hậu hoạn lớn vô cùng, ta chết sẽ có lợi cho một số đồng chí…Vì vậy có mấy câu muốn nói rõ trước khi đi xa.

Nói ta tham ô bao nhiêu tiền, chơi bao nhiêu con gái. Ta không phủ nhận điều đó. Nhưng điều ta muốn nói là, điều đó đáng trách ta nhưng cũng không đáng trách ta, tất nhiên trách nhiệm của ta là lớn hơn. Bất kể là ai nếu đặt vào vị trí của ta đều sẽ tham ô nhiều như vậy, chơi gái nhiều như vậy, thậm chí còn nhiều hơn. Có một số nữ học sinh, ta không chơi thì các đồng chí khác cũng sẽ chơi. Nói Văn Cường ta đây cưỡng hiếp, ta mà lại phải cưỡng hiếp à?…Ai chẳng biết cán bộ hiện nay nếu không tham ô, không háo sắc thì ai dám tin, dám trọng dụng anh? Dù anh làm việc có tốt đi nữa cũng chẳng có ích gì! Loại cán bộ giống như ta, trong cả nước nếu không nói là mấy triệu thì chí ít cũng phải tới mấy chục vạn người. Chỉ bêu xấu rồi giết một mình Văn Cường, thì giải quyết được cái gì?

Điều ta muốn nói nữa là, con đường ta đi từ một anh cảnh sát nhỏ bé tại huyện Ba rồi lên tới chức Phó Giám đốc Sở Công an một thành phố trực thuộc trung ương, không phải là chỉ bằng con đường tham ô…Đối với ta trước tiên là công việc sau mới đến tham ô… Ai cho ta cái quyền muốn làm gì thì làm ở Trùng Khánh? Nhiều người biết rõ một số việc ta đã làm nhưng lại giả bộ là không biết? Đã không muốn để ta sống thì ta sẽ nói hết mọi điều ra: ta tham không chỉ có số tiền đến thế! Vậy số còn lại đi đâu? Tất nhiên là đến nhà người ta, có việc ta nhờ người làm, có một số việc tự ta làm. Nhờ người khác làm không có tiền phỏng có được không?. Những đồng chí lấy tiền của ta cũng như những đồng chí đưa tiền cho ta hiện nay đang hướng dẫn quần chúng tham quan những trưng bầy chứng tích tham ô của ta. Ta không phủ nhận tính chân thực của các chứng tích đó, nhưng nếu các người tới nhà những đồng chí đó xem xét sẽ thấy chút quà bẩn thỉu mà ta nhận thật đáng thương.

Văn Cường ta cũng là người có học… Trước đây ở Trung Quốc, đã có rất nhiều người vỗ tay khen ngợi việc chặt đầu bọn tham nhũng. Thế nhưng sau những cái vỗ tay khoái chí đó mọi việc vẫn như cũ. Mấy trăm năm qua Trung Quốc có thay đổi không? Ta thấy chẳng thay đổi gì cả. Giết ta chẳng qua là bịt được mồm một mình ta, nhưng liệu có bịt được nguồn gốc hủ bại không? Hôm qua trên đường phố Trùng Khánh có rất nhiều người đốt pháo. Ta không biết ba năm sau liệu bọn họ lại có phải đốt pháo nữa hay không? Sợ rằng đến lúc đó những người đã bán đứng ta sẽ lại ca ngợi ta và dân chúng không rõ chân tướng lúc này sẽ thấy Văn Cường cũng có chỗ tốt đấy chứ. Khi ta làm Phó Giám đốc công an Trùng Khánh tỷ lệ phạm tội có cao nhưng so với mấy thành phố lớn khác, Trùng Khánh tốt hơn nhiều…

Biến ta thành người như thế này là do chính xã hội, do chính chế độ này. Ta nói như vậy không phải là muốn đẩy hết trách nhiệm cho người khác. Nếu như năm đó ta không rời huyện Ba, yên tâm làm một anh cảnh sát bình thường ở đó thì hôm nay ta không phải như thế này. Tham công danh lợi lộc là sai lầm lớn nhất đời ta. Sau khi ta chết con cháu không lấy họ Văn nữa mà đổi thành họ khác, và con cháu các đời từ nay trở đi đừng theo nghiệp chính quyền, đừng làm quan cộng sản, hãy xa lánh công danh lợi lộc.

(Theo T/C Văn hóa Nghệ An)

Sunday, September 19, 2010

TRÊN TINH THẦN NÓI CHUNG COI NHƯ LÀ TÓM LẠI


Vở diễn đúng theo kịch bản vừa công bố thì hài hước lắm

“Trên tinh thần nói chung – coi như là tóm lại ”.

Bạn tôi bảo: “Đảng cộng sản đã đưa ra dự thảo Nghị quyết đại hội, Quân viết gì đi chứ”.

Tôi nói: “Trên tinh thần, nói chung, coi như là, tóm lại”.

Bạn bảo, “cái gì ?” Tôi hát liền liên tục hai nhịp: “Trên tinh thần nói chung coi như là tóm lại…” . Bạn nghe, nghiêng nghiêng mái đầu. Ừ, nghe qua có vẻ rất đầy đủ, logic.

Nhưng nó là cái gì ?

“Giống dự thảo Nghị Quyết thôi” – Tôi bảo - Đó chỉ là một vỏ ngôn ngữ không chứa một nội hàm nào cả. Nghe như vừa vĩ mô lại vừa vi mô, vừa tổng thể mà lại chi tiết nhưng chẳng có ý. “Trên tinh thần nói chung, coi như là tóm lại” dùng một ngoại diên mù mờ để lừa đảo trí não trong một trật tự có vẻ logic.

Bạn tôi bảo: “Đúng vậy, dự thảo này có thể dùng cho Đảng Cộng sản Tuynisi hay đảng Mác Xít Thổ Nhĩ Kỹ…triển khai thực hiện”. Mấy đảng này mà làm được đúng như cương lĩnh thì họ sẽ nhảy vọt lên thống lĩnh quốc hội dù có đang lìu tìu chưa đến 5% đại biểu.

Nghe nồng nàn và tha thiết lắm, đỉnh cao trí tuệ loài người lắm….

Dự thảo thật là hoành tráng, nghe vang vang, hao hao giống như Ngài chủ tịch hôm nao chém gió phía bên kia địa cầu. Đầy tinh thần quốc tế cộng sản. À, mà sao trong Nghị Quyết thiếu phần sang giúp đỡ giải phóng Palestine hay Nigeria…đẩy mạnh tinh thần quốc tế vô sản để đứng lên lật đổ chủ nghĩa tư bản trên toàn thế giới…

“Vậy thì góp ý đi” – Bạn lại bảo.

Nhưng góp ý ư ?. Tôi hỏi Trần Mạnh Hảo, Phan Thế Hải…Họ bảo quá chán rồi, Các anh đã vắt hết tâm huyết cho một lần trong đại hội trước. A Hải bảo, những kiến nghị 5 năm trước vẫn còn nguyên tính thời sự, dùng lại cũng được. Nhưng “Thôi chú ạ” như “nước đổ đầu vịt”, “đàn gảy tai trâu”…Không những thế, sau khi góp ý lần trước, công an Sài gòn theo dõi Nhà văn “ly thân” từng bước, Công an Hà Nội hù dọa anh Hải đủ điều…

Tôi cũng đã từng viết, từng góp ý với một nguồn cảm hứng thôi thúc bởi những người mang áo tơi chăn vịt, những bà mẹ còng lưng trên đám ruộng còm….Tôi đã viết, với tấm lòng tha thiết, mong một thay đổi chân thành…. và tôi gặp hạn.

Dẫu sao Nghị Quyết này vẫn có thể dùng để luyện trí não, củng cố văn hóa đọc đang xuống cấp của đại bộ phận dân Việt. Tuy nhiên, kèm theo dự thảo Đảng cầm quyền cần phải xuất bản gấp một từ điển thuật ngữ đảng dùng, bởi vì cách hiểu cuả đảng khác xa cách hiểu của thế giới tiến bộ. Ngôn ngữ đảng dùng là một ngôn ngữ vừa ngoa ngôn, lộng chương vừa tù mù khó hiểu. Câu nào cũng dùng những động từ, danh từ, tính từ, trạng từ “vĩ đại” và “bing boong” nhất.

Tôi nhớ có lần Đức Cha Nguyễn Chí Linh đã chứng minh rằng một Linh Mục ở Địa Phận Thanh Hóa không thể là tác giả của một “Văn bản Hiến đất” mà chính quyền giả mạo làm ra vì trong đó có quá nhiều từ “Thành công, to lớn, vĩ đại, muôn năm, củng cố, tăng cường, đẩy mạnh, chú trọng, trung tâm, then chốt...”.

Lại nhớ, có lần tại Bộ Thủy Sản, Đương kim Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, khi đó là phó thủ tướng, đến phát biểu tại hội nghị toàn Ngành. Ông nhìn những doanh nhân bên trái và nói: “Cần tập trung đất đai của những ngư dân để làm những vùng nuôi tôm lớn có giá trị cao”. Dừng một lúc, Gã nhìn những ngư dân sắp mất đất bên phải, lại tiếp: “tuy nhiên phải giữ gìn đất đai cho những người ngư dân nuôi trồng thủy sản kiếm thêm thu nhập”. Và cuối cùng ông kết luận: “Ưu tiên phát triển trang trại lớn nhưng đẩy mạnh và tăng cường các ao nuôi tôm nhỏ”.

Qủa là: “Trên tinh thần, nói chung, coi như là, tóm lại” ai cũng thấy vui. Trước đây Nghị Quyết có rất nhiều từ như: “Ưu tiên phát triển công nghiệp nặng đồng thời đẩy mạnh phát triển công nghiệp nhẹ, Tăng cường sản xuất song song với thúc đẩy dịch vụ…” làm cho kinh tế nước ta lạc vào mê hồn trận, phát triển toàn là “mũi nhọn”, theo hình gai quả mít.

Dự thảo Nghị quyết đảng hiện nay đang là như vậy. Nếu ta thay đổi một số cụm từ thì nó cũng chẳng khác gì đại hội X cách đây 5 năm và dự thảo đại hội IX cách đây 10…và cũng như thế nếu lần về dự thảo đại hội VI. Tất cả chỉ là vờn quanh các khái niệm, đánh tráo các nội dung, xóc lại hình thức và be bờ đắp đập các khái niệm đã lạc hậu chờ chực tòi ra….

Nhưng nói chung, kỹ năng viết kịch bản có tiến bộ qua từng đại hội.

Riêng lần này, tác phẩm copy này đã ra đời sớm hơn 1 tháng. Nhưng lẽ ra phải ra cách đây 1 năm khi một người tôi quen làm ở Tạp chí Cộng Sản đã cùng hơn 200 thành viên khác được cử đi Trung Quốc đọc kịch bản Đại hội của họ lần trước và copy gần y nguyên.

“Trên tinh thần, nói chung, coi như là, tóm lại…” Lời văn diễn đúng tiếng Việt về dùng từ, dùng câu và bố cục của toàn bộ bài văn. Nhưng hồn văn thực sự đã chết, không những trong thực tế mà còn trong tâm hồn của những người thiết tha với Tổ quốc.