Tuesday, January 18, 2011

GIÀNH QUYỀN TỰ DO KẾT HỢP


Bài viết sau đây của Chiến lược gia - Nguyễn Gia Kiểng, là một bài viết rất hay. Tôi đọc nó vào lúc ngày cuối cùng của một "sự kết hợp rất lớn" đang họp cách chỗ ngồi 300 m. Thẳng thắn mà nói thì nhờ sự kết hợp đó mà những người CS đã liên tục dành được công to và thoát qua nhiều khe hẹp.

Nguyễn Gia Kiểng Nếu không có những kết hợp để làm đối trọng thì các tự do cá nhân, kể cả tự do ngôn luận, dù có được nới lỏng cũng không có gì bảo đảm, chính quyền vẫn có thể ra tay khi thấy cần, như họ đã bắt như Vi Đức Hồi, Phan Thanh Hải và Cù Huy Hà Vũ mà không gặp phản ứng mạnh… Nếu tự do kết hợp là điều mà chính quyền cộng sản quyết tâm không nhượng bộ thì nó cũng là quyền mà đối lập dân chủ Việt Nam phải giành cho bằng được vì một lý do giản dị là nếu không thể kết hợp thì cuộc vận động dân chủ không thể đi xa…

Trong mọi cuộc đấu tranh, bắt buộc đầu tiên là phải biết nhìn ra mục tiêu chính trong mỗi giai đoạn. Tự do kết hợp, nghĩa là quyền thành lập và tham gia các tổ chức, thường được gọi một cách thiếu chính xác là “quyền tự do lập hội” hay quyền “tự do hội họp”, là một trong những quyền con người căn bản nhất và cũng là một điều kiện cần thiết cho tiến bộ, ý kiến và sáng kiến. Trong cuộc vận động dân chủ hiện nay nó là một trong những mục tiêu sau cùng đồng thời cũng là mục tiêu cốt lõi của giai đoạn này.

Tuy đại hội XI của Đảng Cộng Sản Việt Nam chưa kết thúc vào lúc bài này được viết ra người ta cũng đã biết trước những gì cần biết: sẽ không có gì thay đổi. Đảng cộng sản sẽ khẳng định duy trì chủ nghĩa Mác-Lênin và chính sách độc tài toàn trị; những cấp lãnh đạo mà cả nước và chính đại đa số đảng viên cộng sản đều đã biết quá rõ là vừa thiếu khả năng vừa thiếu đạo đức sẽ được chỉ định vào những địa vị lãnh đạo cao nhất trong đảng và nhà nước. Đại hội còn mở cửa cho một khả năng đáng lo ngại là ông Nguyễn Tấn Dũng sẽ gia tăng quyền lực và thẳng tay đàn áp mọi nguyện vọng dân chủ.

Trong một thế giới mà một trật tự hậu khủng hoảng đang hình thành đòi hỏi mọi nước, nhất là những nước dựa vào xuất khẩu và đầu tư nước ngoài, những thay đổi rất quan trọng, đảng cộng sản đã chứng tỏ nó hoàn toàn không còn khả năng thích nghi. Nhưng đây cũng là thách thức quá xấc xược đối với dân tộc Việt Nam. Trong lịch sử nước ta, và cả trong lịch sử thế giới, chưa hề có trường hợp mà một chính quyền ngang nhiên tuyên bố theo đuổi một chủ nghĩa mà mọi người, kể cả chính họ, đều đã thấy là sai trái. Hơn thế nữa, chủ nghĩa Mác-Lênin không phải chỉ bị bác bỏ là sai trái, nó còn bị xóa bỏ như một triết lý chính trị và bị lên án như là nguyên nhân của những tội ác kinh khủng đối với loài người. Trong một kỷ nguyên được coi là kỷ nguyên tri thức mà vũ khí tranh đua sống còn của mỗi dân tộc là sự hiểu biết, ý kiến và sáng kiến, những con người kém cỏi cả về kiến thức lẫn nhân cách lại tự cho phép cai trị một cách độc đoán, ngăn cấm thông tin và thảo luận; một đảng đã mất hết sự chính đáng và cạn kiệt về trí tuệ lại tự cho phép cầm quyền một cách tuyệt đối và vô thời hạn.

FreedomHouse Trong Phúc Trình Về Tự Do Trên Thế Giới Năm 2007 (Survey of World Freedom in 2007), tổ chức Freedom House đánh giá là tình trạng dân chủ tại Việt Nam không có tiến bộ nào trong khoảng thời gian mười năm từ 1997 đến 2007. Đây là một nghiên cứu công phu và đứng đắn. Ta cũng có thể nói thêm là từ đại hội 8 của đảng cộng sản năm 1996 không có tiến bộ nào và từ năm 2007 trở đi đàn áp chính trị tại Việt Nam đã gia tăng chứ không giảm đi. Như vậy là cuộc vận động dân chủ đã dậm chân tại chỗ – nếu không lùi bước – trong ít nhất 15 năm qua. Nhận xét này phải khiến những người dân chủ Việt Nam suy nghĩ.

Hãy đặt lại cậu hỏi căn bản nhất: dân chủ là gì?

Đó là cách tổ chức xã hội đặt luật pháp lên trên tất cả, nói khác đi một chế độ pháp trị hay pháp quyền, và trong đó ít nhất ba quyền tự do cơ bản sau đây được thể hiện: tự do ngôn luận và báo chí, tự do ứng cử và bầu cử, và tự do kết hợp.

Bốn thành tố nhà nước pháp quyền, tự do bầu cử và ứng cử, tự do ngôn luận và tự do kết hợp định nghĩa một chế độ dân chủ ở mức độ căn bản. Cuộc vận động dân chủ như vậy trên nguyên tắc gồm bốn mặt trận, nhắm tranh thủ bốn thành tố này. Trên thực tế chỉ có hai mặt trận quan trọng như nhau là tự do ngôn luận và tự do kết hợp. Tại sao? Đó là vì hai thành tố nhà nước pháp trị và bầu cử tự do là những điều mà một chế độ cộng sản chỉ nhượng bộ khi đã nhìn nhận tuyệt vọng, nghĩa là vào phút chót, sau khi đã nhượng bộ trên tất cả những điểm khác. Mọi kinh nghiệm lịch sử đều chứng tỏ cho đến khi sụp đổ không một đảng cộng sản nào thực hiện nhà nước pháp trị cả, triết lý Mác-Lênin chỉ coi pháp luật như một dụng cụ đàn áp. Trong suốt lịch sử của phong trào cộng sản thế giới chưa hề có một đảng cộng sản nào thắng một cuộc bầu cử lương thiện nào. Tự do ngôn luận và tự do kết hợp là hai thành tố mà các chính quyền toàn trị cũng muốn bóp nghẹt nhưng không thể thể bóp nghẹt hoàn toàn nếu không muốn chính mình cũng bị ngạt thở, do đó đối lập dân chủ luôn luôn có thể vận dụng, nhất là trong trường hợp chế độ mở cửa ra với thế giới và kinh tế tăng trưởng. Chúng cũng đủ để đào thải một chế độ cộng sản.

Trên mặt trận tự do ngôn luận đã có tiến bộ khả quan. Đây là kết quả của một cuộc giằng co đã kéo dài trong hơn ba mươi năm qua và vẫn còn tiếp tục giữa một xã hội Việt Nam cố vùng vẫy để tự cởi trói và một đảng cộng sản cố gắng xiết lại để giữ nguyên chế độ toàn trị trong đó tương quan lực lượng luôn luôn biến đổi thuận lợi cho quần chúng Việt Nam do sự kiện Việt Nam mở cửa ra với thế giới, mức sống của người dân cao hơn nhờ tăng trưởng kinh tế và các phương tiện truyền thông hiện đại phát triển dồn dập. Một người Việt Nam ngày nay có thể công khai phê phán nhà nước và các cấp lãnh đạo là tham nhũng, chủ nghĩa cộng sản là sai, dân chủ Mỹ là đúng v.v… và cũng có thể đăng những bài có nội dung tương tự trên các báo mạng mà không sợ bị bỏ tù, cùng lắm chỉ có thể bị sách nhiễu, với điều kiện là chỉ phát biểu với tư cách cá nhân.

Về quyền tự do kết hợp chưa thể nói là đã có tiến bộ. Những người thành lập và tham gia các tổ chức vẫn bị đàn áp hung bạo. Nếu ta nhìn lại những vụ bắt người và xử án gần đây ta thấy chúng thuộc một trong hai trường hợp: hoặc các đương sự đã hành động có tổ chức hoặc họ đã đả kích Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng.

Nguyễn Xuân Nghĩa và các bạn đã kết hợp với nhau để treo biểu ngữ và rải truyền đơn; Trần Huỳnh Duy Thức, Lê Công Định và Nguyễn Tiến Trung tham gia Đảng Dân Chủ; Nguyễn Hoàng Quốc Hùng, Đỗ Thị Minh Hạnh và Đoàn Hữu Chương liên kết với một số tổ chức đối lập ở nước ngoài để rải truyền đơn. Phạm Minh Hoàng tham gia đảng Việt Tân. Cù Huy Hà Vũ liên tục lên án Nguyễn Tấn Dũng; Trần Huỳnh Duy Thức tiết lộ hồ sơ tham nhũng của Nguyễn Tấn Dũng. Như vậy ngoài quyết định trả thù cá nhân của ông Nguyễn Tấn Dũng, một người nắm được quân đội và công an và sử dụng triệt để hai dụng cụ bạo lực này, chủ trương của đảng cộng sản là đàn áp mọi mầm mống hình thành tổ chức. Hai trường hợp chưa xét xử, Phan Thanh Hải (tức Anh Ba Sài Gòn) và Vi Đức Hồi càng đáng chú ý. Cả hai đều bị bắt và truy tố một cách hoàn toàn vô cớ. Cả hai đều không làm điều gì mới trong thời gian gần đây, họ chỉ phát biểu như vẫn thường phát biểu và còn phát biểu ít hơn trước, một cách dè dặt hơn trước. So với những phát biểu của các trí thức có danh phận trong “Hội Nghị Khoa Học” đóng góp cho các văn kiện của đại hội đảng thì những phát biểu của họ quá ôn hòa. Nhưng họ đã bị bắt vì cùng một lý do: họ tham gia hoặc có triển vọng tham gia một tổ chức. Phan Thanh Hải trở thành nhân vật chủ chốt của Câu Lạc Bộ Nhà Báo Tự Do sau khi Nguyễn Văn Hải (tức Điếu Cày) bị bắt. Vi Đức Hồi tham gia ban biên tập bán nguyệt san Tổ Quốc và gần đây được một số trí thức dân chủ trong nước đánh giá là có tiềm năng làm ngọn cờ cho một kết hợp dân chủ. Họ bị bắt và sắp bị kết án vì bị coi là nguy hiểm chứ không phải vì những điều họ đã nói và làm. Và họ nguy hiểm ở chỗ có khả năng xây dựng tổ chức. Cũng cần lưu ý là Điếu Cày sau khi mãn hạn tù về tội trốn thuế đã tiếp tục bị giam giữ dưới một tội danh khác: tuyên truyền chống nhà nước theo điều 88 của bộ Luật Hình Sự. Điều này chứng tỏ tội danh “trốn thuế” trước đây chỉ là lý cớ, lý do thực sự là Điếu Cày đã thành lập CLB Nhà Báo Tự Do. Đảng cộng sản rất sợ tổ chức vì đó là cách đấu tranh duy nhất có thể buộc chế độ phải thay đổi. Một cách gián tiếp chính đảng cộng sản đã chỉ cho những người dân chủ biết muốn đấu tranh có hiệu quả thì phải đấu tranh như thế nào.

Vả lại nếu không có những kết hợp để làm đối trọng thì các tự do cá nhân, kể cả tự do ngôn luận, dù có được nới lỏng cũng không có gì bảo đảm, chính quyền vẫn có thể ra tay khi thấy cần, như họ đã bắt như Vi Đức Hồi, Phan Thanh Hải và Cù Huy Hà Vũ mà không gặp phản ứng mạnh. Tình trạng sẽ khác nếu những người này là thành viên của những tổ chức lớn có sự hiện diện công khai và có phương tiện để phản đối. Sức mạnh khiến các tổ chức không những có khả năng bảo vệ những quyền hợp pháp sẵn có mà đòi hỏi những quyền chính đáng chưa có. Chính vì thế mà các tổ chức là tử huyệt của các chế độ độc tài toàn trị.

Như vậy nếu tự do kết hợp là điều mà chính quyền cộng sản quyết tâm không nhượng bộ thì nó cũng là quyền mà đối lập dân chủ Việt Nam phải giành cho bằng được vì một lý do giản dị là nếu không thể kết hợp thì cuộc vận động dân chủ không thể đi xa. Cho tới nay sự hung bạo của chính quyền cộng sản đối với các tổ chức đã khiến những người dân chủ Việt Nam tránh né, cố gắng xoay quanh thay vì vượt qua trở ngại. Đã đến lúc họ phải nhìn thẳng vào sự thực và lấy quyền tự do kết hợp làm mục tiêu tranh đấu cốt lõi, nếu chưa hẳn là duy nhất, của giai đoạn này. Có quyền này chúng ta sẽ giành được tất cả, không có quyền này chúng ta sẽ chỉ dậm chân tại chỗ.

Cũng như tự do ngôn luận, tự do kết hợp là điều mà ta có thể giành được. Lý do là vì “kết hợp” là một khái niệm vừa không có định nghĩa rõ ràng lại vừa là một nhu cầu tự nhiên mà không một chế độ nào có thể cấm hoàn toàn. Gia đình là một kết hợp, những nhóm bạn bè cũng là một kết hợp, các tổ chức do đảng cộng sản thành lập hoặc cho phép như hội phụ nữ, hội nhà văn, các xí nghiệp, trường học v.v. đều là những kết hợp. Kết hợp có biên giới mờ ảo và đó chính là đặc tính mà chúng ta có thể khai thác nếu khôn khéo và có quyết tâm. Khai thác như thế nào là một đề tài cần một cuộc thảo luận riêng. Trong bài này chúng ta hãy tạm giới hạn trong những nét chính.

Trước hết, sử dụng khả năng ngôn luận hiện có để trình bày sự cần thiết của tự do kết hợp, đòi hỏi quyền tự do kết hợp và đặt quyền tự do kết hợp thành mục tiêu tranh đấu của những người muốn đổi mới đất nước. Đây là một đòi hỏi rất chính đáng, tự do kết hợp là một trong những quyền con người căn bản nhất. Đó cũng là nền tảng của xã hội dân sự. Mọi nghiên cứu đều chứng tỏ các tổ chức trong xã hội dân sự là môi trường phát triển tự nhiên của con người, làm nảy sinh, nuôi dưỡng và hoàn thiện ý kiến và sáng kiến. Không có tự do kết hợp sẽ không có xã hội dân sự đúng nghĩa, trí tuệ con người sẽ bị giới hạn và xã hội sẽ bị tù hãm trong sự thua kém. Chúng ta phải đấu tranh giành quyền tự do kết hợp ngay cả nếu phải trả giá đắt vì đó là điều kiện bắt buộc để cuộc vận động dân chủ thành công, nhưng cũng vì nhu cầu phát triển trí tuệ của mỗi người và vì tương lai của đất nước.

Sau đó, cũng giống như tự do ngôn luận, chúng ta phải vận dụng khả năng của thực tại xã hội để giành lấy chứ không chờ đợi để được phép kết hợp. Mức độ ngôn luận tương đối hiện nay không phải do chính quyền cộng sản tử tế cho phép mà là một thực tại xã hội mà họ phải chấp nhận. Một cách cụ thể chúng ta cứ kết hợp dù không được phép, nhưng kết hợp ở một mức độ và theo một cách mà chính quyền cộng sản vừa chưa thấy cần phải đàn áp ngay vừa thấy nếu đàn áp còn thiệt hại hơn là không đàn áp, rồi dần dần củng cố thêm, cuối cùng thành một thực tại xã hội mà họ phải nhìn nhận. Cụ thể hơn nữa khai thác mọi trường hợp để khuyến khích sự thành lập của các nhóm thân hữu, văn hóa, nghề nghiệp đồng thời thành lập những nhóm gặp gỡ và trao đổi chính trị; các nhóm này không cần có tuyên ngôn thành lập, cơ cấu tổ chức, cương lĩnh và kế hoạnh hành động; với thời gian chúng tự nhiên sẽ có nội dung và sức mạnh. Ký tên vào một tuyên ngôn chung có nội dung dân chủ và kết hợp là một phương thức khác. Tùy cách soạn thảo mà một bản tuyên ngôn có ý nghĩa của một kết hợp dân chủ hay mới chỉ là một kiến nghị hoặc một tuyên ngôn chung thuần túy.

Nhưng trong trường hợp nào chính quyền cộng sản không đàn áp? Chế độ cộng sản Việt Nam cũng như mọi chế độ cộng sản chỉ nhân nhượng trong một trong hai trường hợp: một là họ lâm vào khủng hoảng nặng, như năm 1986 khi kinh tế sụp đổ, quan thày Liên Xô chao đảo, buộc họ phải “đổi mới”; hai là họ phải thừa nhận một thực tế xã hội đã quá rõ ràng, chống lại chưa chắc đã được mà lại phải trả giá phải quá đắt, như hiện nay họ phải miễn cưỡng nới rộng tự do ngôn luận trên thực tế.

Công khai hóa dần dần sự hợp tác giữa những người dân chủ trong và ngoài nước, trái với sự hù dọa của chính quyền cộng sản và thành kiến của một số người, cũng là một bảo đảm cho sự vững chắc và an toàn của lực lượng dân chủ trong nước. Một trong những giải pháp là trong thời gian đầu công tác phối hợp do những người ở ngoài nước đảm nhiệm, vai trò lãnh đạo sẽ chuyển dần về quốc nội cùng với mức độ chín muồi của vận động dân chủ. Chính quyền cộng sản sẽ không đàn áp nếu thấy rằng đàn áp chỉ khiến họ bị lên án mà vẫn không đụng tới được bộ phận đầu não.

Dĩ nhiên ở mỗi thời điểm cần khai thác tối đa những biến chuyển của một xã hội đang mở cửa về kinh tế trong đó mức sống của quần chúng được nâng cao. Những biến chuyển này rất thuận lợi cho cuộc vận động dân chủ. Đã có nhiều nghiên cứu công phu về khả năng đấu tranh cho dân chủ tại các nước độc tài đang mở cửa về kinh tế. Ngay từ đầu thập niên 1960 công trình nghiên cứu nổi tiếng của ông Seymour Martin Lipset đã cho thấy có một quan hệ mật thiết giữa phát triển và dân chủ, theo đó tăng trưởng kinh tế không phải là điều kiện cần để có dân chủ nhưng là một yếu tố rất thuận lợi. Gần đây một nghiên cứu rất qui mô của tổ chức Values Survey do hai giáo sư Ronald Inglehart (Mỹ) và Christian Welzel (Đức) hướng dẫn đã tổng hợp một khối lượng dữ kiện khổng lồ trên hơn 80 quốc gia để đi tới một kết luận chắc chắn là sự khá giả vật chất luôn luôn có tác dụng thúc đẩy mọi xã hội, trong tất cả mọi nền văn minh, về cùng một hướng là tăng cường tự do cá nhân, kích thích sự hình thành của các tổ chức xã hội dân sự, giải phóng quần chúng khỏi sự chi phối của chính quyền và thúc đẩy họ kết hợp với nhau đòi dân chủ bằng những phương thức hòa bình như kiến nghị, biểu tình v.v… Một nghiên cứu lớn khác của O’Donnell và Schmitter lại cho thấy là tăng trưởng kinh tế không những chỉ tăng sức mạnh và ảnh hưởng của xã hội dân sự mà còn làm tan vỡ tập đoàn cầm quyền; một khuynh hướng “uyển chuyển” (softliner) sẽ tự nhiên xuất hiện ngay trong môi trường cầm quyền chống lại với khuynh hướng “cứng rắn” (hardliner). Phe uyển chuyển, hay cởi mở, này không hề có ý định “chống đảng”, họ chỉ thấy là chế độ bắt buộc phải thích nghi với thực tế mới để có thể tiếp tục tồn tại, nhưng họ đụng phải sự mù quáng của phe thủ cựu, với hậu quả là chế độ bị phân hóa và sụp đổ nhanh hơn. Mikhail Gorbachev và Boris Yeltsin tiêu biểu cho khuynh hướng này tại Nga, trong một chừng mực nào đó Ôn Gia Bảo cũng có thể là một trường hợp tương tự tại Trung Quốc. Những nghiên cứu này đi đến những kết luận mà mọi người đều có thể nghĩ, nghĩa là phát triển kinh tế tạo điều kiện thuận lợi dân chủ; điều đặc sắc của chúng là ở chỗ chúng được thực hiện một cách công phu, đầy đủ và khách quan đến độ không ai, dù ngụy biện đến đâu, có thể phản bác. Ứng dụng vào trường hợp Việt Nam chúng cho thấy nếu quyết tâm chúng ta có thể buộc chính quyền cộng sản phải chấp nhận tự do kết hợp như một thực tại xã hội như họ đã phải nới lỏng sự kiểm soát đối với quyền tự do ngôn luận, sau đó tăng cường hai quyền này và buộc chính quyền cộng sản chấp nhận dân chủ. Vả lại phúc trình Ronald Inglehart và Christian Welzel dự đoán Việt Nam cũng như Trung Quốc sẽ có dân chủ trong thời gian hai thập niên (phúc trình của họ xuất bản năm 2005).

Nhưng tại sao vẫn chưa có tiến bộ nào đáng nói về quyền tự do kết hợp?

Cách đây hơn mười năm, năm 1999, trước ngưỡng cửa thiên niên kỷ thứ ba, Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên thăm dò khả năng đưa ra một sáng kiến tương tự như “Hiến Chương 77″ của những người dân chủ Tiệp Khắc. Một “Kết Ước 2000″ [*] được dự thảo và gửi đến các thân hữu trong và ngoài nước được xem là những người tích cực nhất. Bản văn này rất ngắn, khoảng 500 chữ và được cân nhắc từng chữ. Mục đích của nó là công bố với dư luận Việt Nam và thế giới rằng những người dân chủ Việt Nam đã kết nghĩa với nhau trong mục tiêu chung là xây dựng một đất nước Việt Nam dân chủ vào bao dung. Tuyệt đối không có một lời lẽ nào thù địch với đảng cộng sản. Bản kết ước này gặp hai loại phản ứng rất khác nhau giữa trong và ngoài nước. Tại hải ngoại, các ý kiến phần lớn cho rằng Kết Ước 2000 “không đủ mạnh”, nghĩa là không nói lên quyết tâm chống chế độ độc tài cộng sản. Ngược lại anh em trong nước thì lại cho rằng chưa đến lúc, hàm ý Kết Ước là một sáng kiến quá táo bạo. Ông Trần Độ nói: “Người ta sẽ trừng trị chứ không để yên”. Có người cho rằng Kết Ước không trung thực, mình chưa có lực lượng mà làm như có tổ chức là gây một hy vọng giả tạo. Tôi không biết phải nghĩ thế nào về lập luận này vì Kết Ước chính là sự nhìn nhận rằng những người dân chủ chưa có lực lượng và kết hợp với nhau để có sức mạnh chung. Cuối cùng thì số người hưởng ứng ít hơn những người không muốn tham gia, Kết Ước 2000 nếu công bố sẽ phơi bày sự chia rẽ hơn là sức mạnh. Lý do trực tiếp khiến anh em trong nước ngại là lý do mà Tướng Trần Độ đã nói, nhưng qua những tiếp xúc vận động cho dự án không thành này tôi cũng khám phá ra một điều không tưởng tượng nổi, đó là tuyệt đại đa số những người dân chủ Việt Nam trong cũng như ngoài nước không thấy cần phải đấu tranh có tổ chức. Hình như họ nghĩ chỉ cần viết bài đả kích, lên án là chế độ cộng sản sẽ sụp đổ và cuộc cách mạng dân chủ sẽ thành công. Không có tiến bộ về quyền tự do kết hợp bởi vì người ta chưa đòi. Và họ chưa đòi vì không có nhu cầu, vì chính họ không có ý định tham gia một tổ chức nào cả.

Đó là chuyện hơn mười năm về trước. Thời gian đã phần nào đã làm công việc của nó. Ngày nay hầu như mọi người dân chủ đều đã hiểu rằng sẽ không có một thế lực nào đem dân chủ ban phát cho chúng ta cả, có dân chủ hay không và có dân chủ lúc nào chỉ tùy thuộc ở sự phấn đấu của chính người Việt Nam, và chúng ta cũng chỉ giành được thắng lợi cho dân chủ nếu có một lực lượng dân chủ mạnh. Muốn hình thành một tổ chức dân chủ mạnh ở trong nước thì phải có tự do kết hợp. Như vậy đấu tranh đòi quyền tự do kết hợp, để có thể xây dựng lực lượng dân chủ, phải được coi là mục tiêu quan trọng nhất của giai đoạn này.

Chắc chắn cuộc đấu sẽ gay go, rất gay go, nhưng đây là trận đấu quyết định mà chúng ta không thể tránh né.

Không thể và cũng không cần tránh né bởi vì trong cuộc đấu này thế mạnh không ở phía chính quyền cộng sản. Tự do kết hợp là một trong những quyền con người căn bản nhất và cũng là điều kiện không thể thiếu để đất nước ra khỏi thảm kịch tụt hậu hiện nay. Lý hoàn toàn thuộc về ta và lý tự nó có sức mạnh. Chúng ta sẽ được hậu thuẫn của cả nhân dân Việt Nam lẫn dư luận thế giới.

Nhưng không phải chỉ có thế. Ngoài những nghiên cứu rất giá trị đã nói ở phần trên chứng tỏ dân chủ là tương lai bắt buộc, trong những ngày sắp tới đảng cộng sản sẽ gặp bối rối lớn. Một trật tự kinh tế hậu khủng hoảng đang hình thành và sẽ rất khó khăn cho Việt Nam, đòi hỏi những cố gắng thích nghi lớn và nhức nhối. Chủ nghĩa thực tiễn đang thoái trào tại Hoa Kỳ và Châu Âu, các nước dân chủ sẽ cứng rắn hơn với các chế độ độc tài. Đảng cộng sản cũng sẽ không thể dựa vào Trung Quốc vì chính Trung Quốc cũng sẽ chao đảo; mô hình Trung Quốc không còn phù hợp trật tự thế giới hậu khủng hoảng. Đảng CSVN càng lúng túng hơn vì những tài liệu chuẩn bị cho Đại hội XI và những tuyên bố của những người lãnh đạo chứng tỏ họ không nhìn thấy những thử thách trước mắt. Chưa kể là đại hội này còn là một thách đố xấc xược đối với nhân dân Việt Nam. Đảng cộng sản cũng đã rất phân hóa và những softliners, những phần tử cởi mở trong đảng, ngày càng nhiều.

Tình thế sẽ thuận lợi, chúng ta sẽ có một cơ hội tốt để thúc đẩy cuộc vận động dân chủ tiến thêm một bước lớn và quyết định. Có triển vọng vấn đề dân chủ hóa sẽ chủ yếu được giải quyết trong vòng năm năm tới. Với điều kiện là đừng quên rằng một cơ hội chỉ là một cơ hội cho những ai đã chuẩn bị để chờ đợi nó.

Nguyễn Gia Kiểng

Phụ chú: Kết ước 2000

(Dự thảo, dự định công bố ngày 31/12/1999)

Thế kỷ 21 và thiên niên kỷ thứ ba đến vào giữa lúc mà xu hướng toàn cầu hóa đã trở thành áp đảo. Trong kỷ nguyên mới này, cũng là kỷ nguyên của sáng kiến và sự hiểu biết, các quốc gia mà biên giới được coi như hàng rào ngăn chặn đà tiến chung và những giá trị phổ cập của loài người sẽ không còn lý do tồn tại và sẽ không thể tồn tại. Các quốc gia như thế sẽ không được sự hưởng ứng của người dân, sẽ không động viên được nội lực, sẽ thua kém, sẽ bị giải thể trong lòng người và sau cùng sẽ tan rã.

Chúng tôi là những người Việt Nam cùng chia sẻ một lo âu trước sự tụt hậu của đất nước, trước sự thờ ơ của quần chúng và trước sự thiếu tầm nhìn của nhiều người lãnh đạo đất nước. Chúng tôi tin là phải tìm ra một giải đáp chung cho những khó khăn của đất nước; sự kiện người dân mất lòng tin và ý thức cộng đồng, mỗi người tự tìm một giải pháp cá nhân là rất nguy hại cho đất nước và cho mọi người. Chúng tôi muốn giữ đất nước mà ông cha đã đổ mồ hôi và xương máu tạo dựng cho con cháu. Chúng tôi muốn để lại cho các thế hệ mai sau một đất nước đẹp hơn, đáng yêu và đáng tự hào hơn.

Chúng tôi quan niệm đất nước cần cho mọi người, vì đó là một tình cảm và một không gian tương trợ giữa những người cùng một ngôn ngữ, lịch sử và văn hóa. Đất nước ấy nhìn nhận và bảo đảm chỗ đứng và tiếng nói ngang nhau cho mọi người; bạo lực và đàn áp phải được loại bỏ, thay vào đó là đối thoại, thỏa hiệp và hợp tác phải được tôn vinh như những giá trị nền tảng của xã hội; mọi người Việt Nam phải quí mến nhau trong sự tôn trọng mọi khác biệt; nhà nước, dụng cụ thực hiện đồng thuận dân tộc, phải xuất phát từ nhân dân qua một chọn lựa thực sự tự do. Nhà nước ấy là một dự án tương lai chung, liên tục hình thành và đổi mới, nhưng lúc nào cũng được mọi người tự nguyện chấp nhận.

Chúng tôi tin tưởng rằng nếu được quan niệm lại một cách đúng đắn, phát huy được nội lực và trí tuệ toàn dân, đất nước ta có thể vươn lên rất mạnh mẽ, giành được một chỗ đứng vẻ vang trên thế giới và góp phần xứng đáng làm đẹp hơn một trái đất đã trở thành tổ quốc chung của nhân loại anh em.

Đầu thiên niên kỷ thứ hai, ông cha ta đã mở ra kỷ nguyên tự chủ. Chúng tôi kêu gọi mọi người Việt Nam hãy bước qua mọi ngăn cách và hận thù để cùng phấn đấu và động viên nhau phấn đấu mở ra cùng với thiên niên kỷ thứ ba kỷ nguyên của một nước Việt Nam tự do, và dân chủ.


© Thông Luận 2010




Monday, January 10, 2011

ĐỪNG NHÌN VÀO DỰ THẢO ĐẠI HỘI ĐẢNG XI

"Trước nhà tù đã giam những người cộng sản"


Màn diễn Đại hội XI sẽ đến lúc khép lại và chắc đường lối sẽ không khác nhiều so với dự thảo. Trước mắt có vẻ bi quan nhưng về dài hạn chính sách càng lạc hậu thì càng mâu thuẫn với thực tiễn. Bức xúc xã hội càng dâng cao và sẽ thúc đẩy thay đổi mạnh mẽ.

Theo cuộc điều tra về tham nhũng của Tổ chức Minh bạch Quốc tế tiến hành tại Việt Nam cho thấy có đến 62% người trẻ (dưới 40 tuổi) ít tin tưởng vào thể chế hơn người lớn tuổi và 73% người tin rằng sẽ có thay đổi trong điều hành chống tham nhũng, vấn đề là khi nào và như thế nào ?

Ai thay đổi ai?

Chúng ta có thể hy vọng rằng Đảng Cộng sản là một lực lượng thay đổi xã hội cách đây 20 năm vì một số lãnh tụ Đảng khi đó trong sáng và vì dân tộc. Nhưng hôm nay họ ràng buộc nhau chỉ vì “quyền và lợi” và khả năng tự thay đổi là rất khó.

Quả thật, họ vẫn tiếp tục sống không chính danh và tự lừa dối mình, vẫn hô hào “kiên định” đi lên XHCN mà thực tế chưa định hình được XHCN là gì, hình thù ra sao và khi nào thì đạt được.

Đảng đã từng chui vào cái rọ Xã hội chủ nghĩa và thấy sắp chết ngạt nên quyết định “đổi mới” chui ra, càng “chui ra” càng khen mình tài giỏi.

Nhưng dù sử dụng ngôn ngữ “thành thần” và đánh tráo khái niệm điêu luyện đến mấy cũng khó làm cho dân chúng bây giờ tin vào cái “đuôi XHCN”.

Đảng Cộng sản bây giờ không đủ dũng cảm để thừa nhận mình sai lầm mà từ bỏ toàn bộ quyền lực, trả lại cho nhân dân quyền tự quyết. Bằng chứng là vẫn cấm tự do báo chí, cấm cho lập đảng và tự do bầu cử.

Các Nghị quyết thì càng ngày càng tụt hậu về tư tưởng so với trước kia.

Đặc biệt nhiều người CS cấp cao cũng biết lý thuyết sai nhưng chỉ dám mạnh miệng khi về hưu.

Trước đó họ thường đã kịp chọn một người kế vị “bảo thủ” hơn mình để mong bịt đuôi kín lại phía sau nhằm bảo vệ mình và để mình được mang tiếng là đổi mới.

Từ bên ngoài

Thay đổi càng khó đến từ những tổ chức và đảng phái chính trị ở Hải Ngoại mà họ chỉ có thể là những chất xúc tác.

Thật vậy, những nỗ lực đấu tranh cho dân chủ, tự do đầy xúc động nhiều năm đối với quê hương của các tổ chức đang dần dần trở nên mệt mỏi khi độ tuổi của người đấu tranh ngày càng già đi. Những đấu tranh không thể tác động một cách dứt điểm lên các chính sách của Nhà nước Việt Nam mà chỉ để gây áp lực lên một số vụ việc cụ thể.

Trong khi đó hoạt động cách mạng để thay đổi đòi hỏi quyết tâm sắt đá và những nỗ lực không ngừng theo một chiều sâu đầy tính hành động chứ không phải chỉ là những bài viết trong phòng máy lạnh với đầy đủ tiện nghi.

Những tổ chức trong nước vừa mới manh nha xuất hiện thì bị bắt, bị khủng bố. Nhà nước kiên quyết ngăn chặn việc hình thành các tổ chức chính trị đối lập. Song song với việc đó họ đã khôn khéo tung tin, kích động và chia rẽ các nhà hoạt động dân chủ để họ không thể ngồi lại với nhau.

Quả thật, những người cộng sản làm rất tốt việc này vì họ đã trải qua hết những cung bậc đó và tràn đầy kinh nghiệm. Từ ngây thơ đến mưu lược, tha thiết đến lạnh lùng tàn nhẫn, từ đấu tranh chính trị đến ngoại giao, từ khủng bố đến kêu gọi hòa bình.

Vai trò của các cường quốc

Lịch sử Việt Nam có 1000 năm Bắc thuộc. Vua Trần đánh xong Quân Nguyên, dâng Chiếu lên Bắc Triều xin được phong vương và nhận làm chư hầu.

Nguyễn Trãi giúp Lê Lợi đánh giặc Minh, sau đó đã dâng Biểu thú nhận: “Tội thần nhiều như tóc trên đầu”. Sau khi đánh tan giặc Thanh, Ngô Thì Nhậm đã thay mặt Nguyễn Huệ trình quốc thư xin bình thường hóa mà rằng: “Nam Triều không dám đánh mà do quân Thiên Triều không quen thấy voi nên bỏ chạy”.

Việt Nam giờ sát nách ngay “công xưởng của thế giới”, nhập siêu năm 2010 hơn 12 tỷ từ Trung Quốc. Gần đây hai chính quyền đã đồng ý đến 2020 sẽ có đến 9 con đường cao tốc từ các Tỉnh vùng biên Trung Quốc chọc thẳng xuống Việt Nam. Trung Quốc cũng khống chế hầu như toàn bộ các con sông, suối xuôi về nước Việt.

Trung Quốc còn thè đường “lưỡi bò” quyết tâm liếm sạch “mặt tiền” Việt Nam.

Đối với Hoa Kỳ, sau khi bình thường hóa quan hệ được 15 năm, Hoa Kỳ đã trở thành đối tác và bạn hàng lớn nhất tại Việt Nam. Hoa Kỳ cũng có quyền lợi và mong muốn một Việt Nam dân chủ. Mệnh danh dẫn đầu thế giới trong cuộc chiến cho tự do, dân chủ, cái khó của Hoa Kỳ là không thể lờ đi vấn đề nhân quyền để lái Việt Nam vào quỹ đạo của mình.

Ngoài ra còn do sức ép trực tiếp của các cộng đồng người Việt ở Hải Ngoại lên các nghị sỹ. Nhưng càng “ép” thì khả năng “đổ” về Trung Quốc càng tăng cao. Rõ ràng Việt Nam không thể đi với Mỹ nếu không hòa thuận được với Trung Hoa.

Sau đại hội cũng là lúc tân đại sứ Hoa Kỳ - David Shear – đến Việt Nam. Là người hiểu biết rõ Trung Quốc và Đông Nam Á, vị tân Đại sứ liệu có ý định biến Việt Nam thành cái nêm chèn giữa hai cường quốc và để cân bằng lợi ích giữa các quốc gia hay là quyết liệt hơn, biến Việt Nam thành một “cứ điểm” để bao vây và tấn công vào Trung Cộng ?.

Kinh nghiệm cho thấy Việt Nam lại là quốc gia thích “tự lực” trong nhờ vả.

Nhưng nếu đảng CS khôn ngoan và bản lĩnh, chúng ta có thể “dạy cho Trung Quốc” một bài học bằng cách tiến hành dân chủ, đa nguyên.

Chỉ có cách đổi mới hệ thống chính trị, tiếp tục phát triển các ngành dịch vụ và các lợi thế cạnh tranh chắc chắn là bài học mà toàn thể nhân dân Trung Quốc và một số lãnh đạo Trung Quốc đang mong ngóng.

Trong mối tương quan giữa Việt Nam với quốc tế không thể không nhắc tới Vatican.

Dù chưa có quan hệ ngoại giao nhưng Việt Nam là nước có đông tín đồ Công giáo lớn thứ hai ở Đông Nam Á sau Phillipines. Quan trọng là những tín đồ có tổ chức chặt chẽ và có cùng một đức tin.

Họ có thể tập hợp được ngay lên đến hàng trăm ngàn người cùng một lúc. Những mâu thuẫn về ý thức hệ có thể là ngòi nổ và là khởi điểm cho sự bùng dậy.

Từ dưới dội lên

Lịch sử Việt Nam cho thấy các triều đại sau khi giành được độc lập thường dần dần trở nên hủ bại và suy tàn. Đó là lúc các cuộc khởi nghĩa bùng nổ.

Hiện nay hơn 70% dân số Việt Nam là nông dân và khiếu nại của nông dân đang càng ngày càng nhiều.

Năm 2010 vừa qua có 110,000 vụ khiếu nại tố cáo, tăng hơn 30% so với cùng kỳ năm ngoái chưa kể các cuộc đối đầu bất bạo động đông người giữa giáo dân và Chính quyền liên quan đến các vấn đề đất đai tôn giáo.

Những vấn đề về đất đai nông nghiệp, ô nhiễm môi trường, đền bù giải phóng mặt bằng và tham nhũng đã đưa nhiều bộ phận dân chúng kết hợp với nhau.

Hiện nay họ chỉ đấu tranh cho lợi ích trước mắt và sát sườn khi nó bị xâm hại. Nhưng nếu có tự do báo chí và có các tổ chức chính trị hướng dẫn để họ tìm ra nguyên nhân đích thực ở đây là vấn đề do hệ thống “toàn trị” thì chuyện đòi thay đổi có thể đến rất nhanh.

Trước mắt giải pháp tốt nhất là chúng ta phải ý thức trọn vẹn bổn phận của mình.

Chúng ta không nguyền rủa bóng tối mà sẽ thắp lên những ngọn nến. Khi thấy được một sức mạnh quần chúng hiện hữu đòi thay đổi thì chính trong Đảng Cộng sản sẽ có người đứng lên đấu tranh và chia tách.

Quả thật, nhìn vào dự thảo Đại hội Đảng Cộng sản XI chúng ta thấy bị quan nhưng nhìn vào lịch sử Việt Nam và khát vọng sống của con người, chúng ta hoàn toàn có quyền lạc quan về dài hạn.

Bài viết đã được đăng trên trang bbc tại địa chỉ: http://www.bbc.co.uk/vietnamese/forum/2011/01/110110_lequocquan_party_congress.shtml

Saturday, January 08, 2011

4 KỊCH BẢN CHO CỖ MÁY ĐẢNG GIÀ

(Cụ già ĐCSVN có vợ già XHCN nhưng đang ngoại tình cùng Nàng TBCN trẻ trung )


Chỉ mấy hôm nữa 1,400 đảng viên của ĐCS sẽ họp và thông qua đường lối cai trị 87 triệu dân Việt Nam. Gần 1 năm lao xao đấu đá, trước giờ G mọi việc bỗng lặng như giữa mắt bão. Có một số phèng la quảng cáo nhưng chỉ là cách Đảng tiêu tiền dân còn dân chúng thì không có diễn đàn mà chỉ “xôn xao” vỉa hè hoặc quán bia.

Mọi việc dường như đã xong xuôi và đại hội chỉ được coi là hình thức. Tuy vậy những lăn tăn phe cánh và lương tâm với lịch sử vẫn động lòng. Nên, một tác nhân nhỏ cũng có thể làm lệch cán cân và dẫn đến những thay đổi bất ngờ.

Hai hệ điều hành trong một cỗ máy

Một số ủy viên BCT đang ý thức được rằng mình bị kẹt cứng trong một cỗ máy độc tài với một nhóm “gene” nhỏ đang lão hóa. Họ cũng biết rằng sự cân bằng nhỏ nhoi hôm nay có thể sụp đổ bất cứ lúc nào. Mâm, bát sẽ vỡ, Tiệc (party) sẽ tàn. Họ biết sau lưng là thực tiễn câu thúc, trước mắt là sóng to gió cả và đâu đó là thì thầm của lương tâm. Nhưng họ đang bị “đảng” cầm tù.

Qúa trình làm thủ tướng của Nguyễn Tấn Dũng đã đưa chính phủ lên một tầm cao mới, thách thức trực tiếp với cơ chế của Đảng. Những mâu thuẫn giữa “Bên Đảng” và “Bên Chính phủ” đã ngày càng trở nên gay gắt. Đây là hai hệ điều hành chạy trong cùng một cỗ máy. Xung đột này chắc chắn dẫn tới sự tự hủy vì nó được cài đặt ngay chính trong chương trình, mang tính loại trừ và không thể sửa lỗi.

Vụ Vinashin là biểu hiện cao nhất một sự “xung đột” giữa hai hệ điều hành. Khi đảng mạnh (8/15) thành viên BCT ra quyết định kiểm điểm chính phủ. Thế nhưng đương nhiên 6 ủy viên BCT đang là thành viên của chính phủ.

Khi bị tấn công, chính phủ đã cùng nhau phòng thủ. Hùng – Dũng trước đây như nước với lửa giờ trở nên cùng một chiến tuyến. Với sự am hiểu thực tiễn và trình độ vượt trội so với “bên đảng” các thành viên chính phủ, cũng là Uỷ viên BCT, đã phản công và “phe Đảng” đã thực sự lúng túng. Trưởng ban kiểm tra TƯ Nguyễn Văn Chi và Trưởng ban Tuyên giáo Tô Huy Rứa chợt thấy rằng đảng chỉ đạo “chung chung” mà thiếu thực tế nên đã có dấu hiệu sửa mình. Không ít người ở địa chỉ “số 1 Hùng Vương” có vẻ đang quay sang ủng hộ “số 1 Hoàng Hoa Thám” .

Vì vậy với cách thức lấy Vinashin làm đòn tấn công đẩy ông Dũng sang làm Chủ tịch nước, thậm chí về vườn như dự kiến ở Hội Nghị TƯ 13 đã thất bại. Không dừng ở đó, Chính phủ có quyền yêu cầu BCT phải tự kiểm điểm vì đã ra một “kết luận” làm cho tình hình thêm mâu thuẫn.

Vụ VINASHIN vì vậy sẽ chìm xuồng và còn nhiều “Vinashin khác nữa” nữa sẽ vĩnh viễn không bị bóc mẽ. Đó là cái đau đớn đến xé ruột của người nộp thuế hôm nay và mai sau !

Các kịch bản về những người lãnh đạo cao nhất :

Tác giả của kịch bản thứ nhất là tay “trai bản xuống phố”. Dù tiếng Việt chưa sõi nhưng nắm quyền lực cao nhất đất nước đông dân thứ 13 trên thế giới. “Ngài” đang nỗ lực truyền ngôi cho một vị tiến sỹ chuyên ngành“bảo vệ đảng”.

Sau hội nghị TƯ 14, Nguyễn Phú Trọng, với kỹ năng sử dụng ngôn ngữ “thành thần” tiếp tục đánh tráo khái niệm và kéo dài thêm sự sống của cái đuôi “XHCN”, gần như chắc chắn là Tổng bí thư. Chủ tịch nước là Trương Tấn Sang, Phạm Quang Nghị là Chủ tịch Quốc hội còn Nguyễn Tấn Dũng vẫn là Thủ tướng. Nhưng như thế thì bên Đảng mạnh quá cho nên chắc sẽ có sự cân bằng hơn bằng cách đưa phó thủ tướng Họ Nguyễn Sinh, quê Nam Đàn sang thay ông Nghị. Đó có vẻ là một giải pháp cân bằng.

Nhưng sự “xí phần” ( thằng này của tao ) một cách quá đáng của mấy tay Tàu Khựa có vẻ đang bị phản tác dụng. Việt Nam là một nước thích “tự lực” trong nhờ vả. Các mối quan hệ quốc tế đa phương, đặc biệt với Mỹ, đang cuộn lên và không ai lừa được thực tiễn sinh động. Điều này dẫn đến kịch bản thứ hai là Nguyễn Tấn Dũng sẽ làm Tổng bí thư, Nguyễn Sinh Hùng giữ chức Thủ Tướng. Ông Nguyễn Phú Trọng vẫn ngồi yên chỗ cũ. Còn Trương Tấn Sang – Thường Trực Ban bí thư – sẽ thay ông Nguyễn Minh Triết làm chủ tịch nước.

Liệu có kịch bản thứ ba khi đa số của 1,400 người dự họp tuân theo những nguyên tắc 2 nhiệm kỳ trước là: “Không bầu vào Uỷ viên TƯ những người đã 60 tuổi và BCT những người đã quá tuổi 65 – trừ những trường hợp đặc biệt”. Khi đó ít nhất 9 người của BCT phải ra đi và chỉ còn 6 “chú Trâu” đều sinh năm Kỷ sửu (Nguyễn Tấn Dũng, Lê Hồng Anh, Phùng Quang Thanh, Trương Tấn Sang, , Phạm Quang Nghị, Lê Thanh Hải) phải cùng nhau “sống mái” với 4 vị trí quan trọng nhất.

Đây sẽ là một kịch bản bất ngờ và thú vị vì kinh tế thị trường đang mỉm cười với Thủ tướng và 2 Bộ trưởng. Ngược lại, “Thường trực ban bí thư” cùng hai bí thư thành ủy Hà Nội và Sài Gòn đang cố gắng tố giác “mặt trái” của nó.

Đó chính là sự cân bằng hoàn hảo nhưng mong manh với một làn ranh đầy cảm tính. Những người ủng hộ thì cho rằng “Anh Trọng là trường hợp đặc biệt” phe phản đối thì nói “chỉ có như cụ Hồ mới là trường hợp đặc biệt”. Vì hiểu vậy mà ở Đại hội X cả dàn Vũ Khoan, Nguyễn Văn An… đều quyết định ra đi.

Cái khó của kịch bản này là “trường hợp đặc biệt” giờ đây không phải là tài năng, mà là vì sự đan chéo quyền lực giữa các bên. Cuộc khủng hoảng lãnh đạo đã bắt đầu tư lâu và các phe phái phải tính từng người, cân nhắc từng khuôn mặt. Hai nhân vật già nhất là Phạm Gia Khiêm và Nguyễn Phú Trọng có thể vẫn tiếp tục như đại diện cho 2 bên về “tính đặc biệt” dù đều đã bước qua tuổi 67 vào năm 2011.

Một kịch bản thứ 4 không dự phóng là Nguyễn Tấn Dũng tung chưởng độc, tiếp tục giữ quyền kiểm soát và chơi sát ván, Ông sẽ xô hàng loạt trở ngại của mình về cho BCT của Đảng, lạnh lùng đạp ngã kẻ ngáng chân và nắm luôn cả hai vị trí TBT và Chủ tịch nước. Kiên định theo Mỹ phát triển mô hình Trung Quốc tại Việt Nam. Đó là một nước cờ đu dây táo bạo hợp với lịch sử nước Việt đầy phiêu du. Hàng loạt Uỷ viên BCT mới sẽ xuất hiện. Phương án này chưa có kịch bản nhưng trong các phương án xấu thì về dài hạn, đây có lẽ là kịch bản ít xấu nhất cho dân tộc. Muốn có kịch bản này thì các vị UVTU phải thực sự có bản lĩnh và quyết tâm “chơi” một cú cho thỏa chí bình sinh.

Cỗ máy được thiết kế để người già leo núi ?

Khi nước Mỹ có Tổng Thống ở tuổi 44, Nước Anh có Thủ tướng tuổi 43 thì Việt Nam lại đang loay hoay rụng cả tóc để lựa chọn giữa những nhân vật sinh vào thập niên 1940.

Tại sao gần 90 triệu dân chúng ta lại tiếp tục nhìn thấy những khuôn mặt đầy nếp nhăn xưa cũ đó vật vã leo núi trong một thế giới đang trẻ hóa từng ngày ? Đó là vì cơ chế của Đảng Cộng sản. Từ một đảng viên trong chi bộ, dù có tài thánh thì cũng sẽ phải vượt qua biết bao nhiêu tầng nấc, bao nhiêu âm mưu, thủ đoạn và được cơ cấu thì mới có cơ hội vào BCT. Khi đó con người bắt đầu “thuộc” một hệ điều hành. Muốn tồn tại họ chỉ biết “thả bóng” loanh quanh, vo tròn mình lại và kết thúc ở cấp lãnh đạo tối cao bằng một: nhóm rất nhỏ, rất già.

Thực tế thì một số ủy viên BCT đã muốn nghỉ nhưng không được. Không một ai được quyền viết đơn từ chức và nhường ghế lại cho người trẻ khi đảng đang muốn họ làm. Cỗ máy Đảng CS đã được thiết kế để “ ì ạch chạy” một cách đầy mâu thuẫn cho đến già. Càng về già thì các hệ điều hành càng mâu thuẫn, ốc vít sẽ lung lay và sẽ tự gục. Khi viết đến đây tôi chợt nhớ tới những vị lãnh tụ Liên Xô già nua, lẩm cẩm vào ngay trước thời kỳ tan rã. Liệu nó có báo hiệu điều gì không ?.

Luật sư. Lê Quốc Quân