Friday, April 28, 2017

TRUMP- TRUNG QUỐC VÀ TRIỀU TIÊN



Tôi dự báo vấn đề Triều Tiên sẽ được giải quyết sớm và qua đó ảnh hưởng đến toàn bộ vùng Đông Á, Vấn đề thể chế chính trị sau khi có một Đại Hàn Dân Quốc với 75 triệu dân có thể ảnh hưởng rất lớn đến Trung Quốc và Việt Nam. 

Với những diễn biến ở Syria, Afganistan và Triều Tiên, Tổng thống Donal Trump đã chứng tỏ mình là con người luôn được nhắc đến, cách này hay cách khác, dù ông ghét truyền thông. Những dòng Tweet ngắn ngủi và đầy trực cảm của ông luôn được báo chí “cấu xé” với vô khối bình luận phía sau dù đôi khi chẳng đến mức sâu sắc như vậy. 

Tại Việt Nam người ta cũng bàn tán rất nhiều về Trump bởi vì một số động thái của Ông có liên quan đến Việt Nam, nhưng phần lớn là do sự đói khát không khí chính trị thôi thúc người ta quan tâm. Nhiều người đơn giản chỉ quan tâm vì ghét, người khác vì hy vọng có “một cái gì đó” khác đi.

Triều Tiên là một vấn đề lớn.

Sau thế chiến thứ 2, có 4 quốc gia bị chia cắt. Đức và Việt Nam đã được thống nhất bằng 2 con đường khác nhau. Hai quốc gia còn lại là Trung Quốc và Triều Tiên. Có thể Đài Loan sẽ hợp nhất với Trung Quốc trong hòa bình nhưng điều đó khó xảy ra đối với Triều Tiên.

Chính sách “Ánh Dương” của khôi nguyên giải Nobel Hòa Bình Kim Dae Jung đã lụi tàn như một ngọn đuốc bị Triều Tiên dí xuống nước không thương tiếc.

Thế hệ độc tài thứ 3 của nhà họ Kim đã lên nắm quyền. Tính chất phong kiến kết hợp với lý thuyết cộng sản đã làm cho Kim ảo tưởng mình có thể làm vua mãi mãi, vĩnh viễn cai trị 25 triệu người trong đói khổ nghèo nàn.

Đứa Cháu sẽ thấy việc phẫu thuật khuôn mặt và kỳ công luyện tập ngôn ngữ cử chỉ cho giống ông nội cũng không thể đem lại một đảm bảo bền vững. Những bước chân vênh vang tưởng như vững chãi cũng đang chứa đầy bệnh tật và có thể phải chống gậy bất cứ lúc nào.  

Không chỉ tàn bạo đàn áp phe phái trong nước, Kim Jong Un còn làm cho những đồng minh của Mỹ ở Đông Bắc Á đang cực kỳ khó chịu bởi các vụ thử tên lửa. Trung Quốc cũng đã quan ngại thằng “đệ” này hơn 10 năm nay nhưng không có cách giải quyết khả thi vì Mỹ quá thờ ơ.

Obama im lặng và Bush quá bận việc khác

Lẽ ra câu chuyện không phải càng lúc càng khó xử như hôm nay nếu như Bush không quá bận ở vùng Vịnh và Obama lại quá hiền. Con người và hành động của Trump khác với Obama. Obama đã có nhiều cơ hội để cùng Trung Quốc xử lý vấn đề hạt nhât của Bắc Hàn, nhưng ông đã không làm. 

OBAMA là thế, rất quan tâm đến “thế giới nghĩ gì về mình” nhưng Trump thì khác. Ông thấy việc đúng hoặc tin là đúng thì quyết làm chứ không quan tâm đến “người ta nghĩ về mình như thế nào”.

Ông sống theo trực cảm, đầy ngẫu hứng, tôn trọng đồng mình cho nên ông thấy Triều Tiên là cái gai trong mắt cần phải nhổ.

Trump nói là sẽ “xử lý” và thế giới cũng đã đồng thuận trong việc phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên. Trung Quốc cũng vậy, một mặt muốn nuôi dưỡng Triều Tiên nhưng mặt khác muốn thể hiện công lao trong việc dọn dẹp nó.

Ai trong giang hồ đều hiểu, một thằng đàn em khi không còn phục tùng “đại ca” nữa thì nó sẽ tìm cách khiêu khích chơi lại để kiếm tìm “số má”. Với một kẻ sát nách sẵn hàng nóng thì càng đáng lo ngại.

Trước đây Bố Kim Joung Un là dạng Chí Phèo ăn vạ có kiểm soát, giờ ông Con ở tuổi 30 ngông cuồng khiêu khích để có được chú ý, để không bị thế giới lãng quên. Ngày 5/4 vừa rồi Triều Tiên lại phóng một quả tên lửa để chọc giận cả Mỹ và Trung quốc ngay trước cuộc gặp của Trump và Tập Cận Bình ở Florida. Như vậy thì qủa là đáng để cho 2 cường quốc dành thời gian bàn bạc phương án xử lý.

Giải quyết Triều Tiên bằng cách nào?

Việc giải quyết vấn đề Triều Tiên không dễ bởi giải pháp ngoại giao trong suốt hơn 20 năm nay đã coi như thất bại. Cấm vận kinh tế thì phải có sự quyết tâm của Trung Quốc trong khi lãnh đạo Triều Tiên đã trơ lỳ cảm xúc và sẵn sàng để mặc cho dân đói nghèo, nếu có được đồng tiền nào thì đem chi vào việc thử và sản xuất vũ khí. Như vậy, chỉ còn hành động quân sự là hiệu quả nhanh, tác động lớn nhưng cũng nguy hiểm.

Phương án quân sự cần thời gian nghiên cứu để tránh những thiệt hại lớn cho Hàn Quốc. Những mô phỏng chiến tranh trước đây cho thấy, Triều Tiên có thể bị hạ gục rất nhanh, nhưng cũng đã kịp giết chết đến 1 triệu người Nam Hàn nếu xổ tất cả vũ khí của họ trong cơn giãy chết cuối cùng.  

Bởi vậy, trước tiên và tất yếu là phải đe dọa. Ba tàu sân bay là USS Carl Vinson, USS Ronald Reagan và USS Nimitz như những chú cá kình của đại dương đang tiến vào biển Nhật Bản. Hoa kỳ tập trận chung với Hàn Quốc, tuần tra chung với Nhật Bản, Phó tổng thống Mike Pence đã đến thăm biên giới, thăm khu phi quân sự và tuyên bố sát cánh cùng Hàn Quốc. Hoa Kỳ cũng đang đẩy mạnh hợp tác để xây dựng hệ thống phòng chống tên lửa cho Nam Hàn và Nhật Bản. Bằng nhiều cách, chắc chắn Trump sẽ gây sức ép toàn diện lên Triều Tiên, để Triều Tiên tưởng như sắp đánh nhau to, phải căng mình ra, lên gân như giây chun mỏng giãn hết cỡ.

Bước tiếp theo sẽ vẫn là vấn đề truyền thông. Nếu như đánh Syria đột ngột thì, theo tôi, Mỹ sẽ không tiến công Triều Tiên bất ngờ. Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc sẽ hậu thuẫn truyền thông bằng truyền thanh, truyền đơn và các phương tiện khác. Nhờ vào công nghệ hiện đại, việc phủ kín truyền đơn hoặc âm thanh tố cáo chế độ độc tài và kêu gọi bất tuân dân sự sẽ không kéo dài quá 1 năm với một hiệu quả đáng kinh ngạc.

Khi đã đạt đến sự nhàm chán của truyền thông quốc tế; khi đã vắt kiệt sức mấy giọng điệu kêu gọi đầy thống thiết trên TiVi Bắc Hàn, khi đã tìm được một kịch bản thay thế, tình báo sẽ ra tay và hành động phủ đầu sẽ đến. Nhanh và gọn là một ưu tiên đặc biệt. Vụ ám sát anh trai cùng cha khác mẹ của mình tại Malaysia cũng có thể truyền cảm hứng đến những hành động tương tự cho Mỹ hay Hàn Quốc.

Là con người đầy ngẫu hứng, Trump có thể hành động khác nhưng việc phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên thực sự đem lại tiếng thở phào cho cả Trung Quốc, Hàn Quốc và Nhật Bản.

Tôi nghĩ chúng ta có thể nghe thấy tiếng thở phào nhẹ nhõm đó trong nhiệm kỳ đầu của Trump.

Có thể Trump không cần, nhưng thông thường chiến tranh cũng là lý do tốt cho người dân Hòa Kỳ không thay tổng thống khi chỉ mới cầm quyền 4 năm.

Ảnh hưởng tới Trung Quốc và cục diện thế giới ?

Nếu như chiến tranh Triều Tiên xảy ra, cục diện thật sự của toàn vùng sẽ thay đổi. Đất nước Triều Tiên cũng có những nền tảng nhất định cho nên sẽ tiến bước nhanh trên con đường phát triển. Khi đó vấn đề đáng lo ngại tiếp theo sẽ là Trung Quốc.

Và có thể mọi điều ở Trung Quốc sẽ xảy ra sớm hơn cả ở Việt Nam nếu như Trump có được sự ủng hộ của cả Putin trong việc gây sức ép từ phía bắc lên Trung Quốc. 

Khi đó chắc hệ thống phòng thủ tên lửa tầm cao giai đoạn cuối (THAAD) mà Trung Quốc luôn quan ngại đã hoàn thành. Khi đó các căn cứ Quân sự của Trung Quốc ở Hoàng Sa hay Trường Sa sẽ quá xa lục địa nhưng lại quá gần những căn cứ quân sự khác của Hoa Kỳ. Khi đó sức ép từ bên ngoài, kể cả Ấn Độ lên Trung Quốc có thể rất lớn.

Tuy nhiên, dù lớn đến đâu thì chẳng có nghĩa lý gì khi so với trong lòng Trung Quốc đang dậy men cho những mâu thuẫn.  

Khoảng cách giàu nghèo, độc tài, tham nhũng, bất công, phát triển nóng, ly khai và thiếu vắng xã hội dân sự đang thực sự đang hâm nóng Trung Quốc. Là đất nước sản xuất ra bao nhiêu thực phẩm độc hại mang lại ung thư cho loài người, nay chính Trung Quốc cũng đang mang trong mình căn bệnh ung thư thể chế khó có thể chữa khỏi.

Bởi vì cơ thể đang khỏe, đang trên đà lớn cho nên những dấu hiệu phát bệnh chưa rõ ràng, nhưng tất cả các ung nhọt sẽ bục ra vào lúc thuận tiện nhất.

Chiến tranh ở Triều Tiên và sau đó là một sự sắp xếp hợp lý của Đại Hàn Dân Quốc có 75 triệu dân biết đâu lại là một tác nhân cho sự thay đổi ngoạn mục. Nó sẽ bắt đầu lan truyền từ Châu Âu sang Châu Á và cả từ vùng biển Đông Bắc Á vào.

Bắt đầu tư Đông Âu vào những năm 1991, có thể ngọn gió thay đổi lại được dịp quét qua Trung Hoa Đại Lục xuống Việt Nam và sau đó là Lào. Có thể đầy lãng mạn, nhưng chúng ta sẽ không phải đợi quá lâu để thấy những nước Cộng sản còn lại trên thế gian lần lượt ra đi, dù cách này hay cách khác.

Tất nhiên, không phải khi đó là thế giới sẽ bình yên, nhưng lịch sử là sự chuyển tiếp có chọn lọc. Thay đổi ở Triều Tiên là điều phải đến trong một thế giới đang ngày càng tiến về phía trước, hướng tới văn minh. Khu rừng rậm cuối cùng, nơi Kim Yong Un tự coi mình như chúa sơn lâm, mặc sức cắn giết đồng loại, sẽ phải đi vào dĩ vãng.
Hà Nội 28/4/2017


Thursday, April 13, 2017

TROY VÀ 3 ĐIỀU NGHIỆM RA TỪ 3 CÂU NÓI



Hôm nay nói chuyện với các con về Thần thoại Hy Lạp, sau đó gia đình ngồi xem phim "Cuộc chiến thành Troy". Có 3 điều vô cùng ý nghĩa nằm ở 3 câu mà mình nghiệm ra. 

Thứ nhất: Câu nói của Mẹ Achilles (Asin) là nữ thần Biển cả Thetis đã nói với con trai mình là Asin rằng "Your Glogy will go hand in hand with your doom - Vinh Quang luôn luôn song hành với sự đọa đày". Điều này cho ta bài học là mọi thứ đều có giá của nó, vinh quang luôn song hành cùng với đau khổ. 

Thứ 2 là câu nói của Vua Priam khi sang trại của Asin xin xác của con trai mình là hoàng tử Hector. Asin nói là đêm nay sẽ cho xác để về ông làm đúng nghi lễ của một hoàng tử nhưng ngày mai ông vẫn là kẻ thù của tôi. Vua Priam đáp lại: "You are still my enemy tonight, but even enemies can show respect - Ngay đêm nay ngươi vẫn là kẻ thù của ta, nhưng kẻ thù cũng cần sự tôn trọng" . Điều đó có cho ta bài học về tính cao thượng, tôn trọng ngay chính kẻ thù mình. 

Thứ ba là lời Asin nói với người yêu Brisis, của mình - một nữ tu coi sóc đền thờ thần Apollo rằng "The Gods envy us - các vị thần ghen tị với loài người". Qủa thật, mỗi một phút giây của con người cũng có thể là giây phút cuối cùng. Các vị thần ghen tị với loài người vì họ bất tử nhưng chính cái chết mới làm cho con người coi trọng giá trị của mỗi một phút giây đang sống. 

Hôm nay bắt đầu tuần thánh theo nghi thức của người Công Giáo - Chúng ta cùng cảm nhận về sự sống, cái chết và sự phục sinh. Không hề có bóng tối và Tôn giáo cực đoan, mà chỉ có sự thiếu hiểu biết chung. Tri thức chính là ánh sáng. Nhìn dưới góc độ nào, dưới tôn giáo Độc thần hay Đa thần, mình vẫn thấy được tràn đầy hồng ân. Bởi vậy hãy sống và sống thật dồi dào !