Sunday, May 14, 2017

TRIỀU TIÊN LÀM THAY ĐỔI VIỆT NAM



Bắc Hàn lại vừa bắn 1 quả tên lửa bay đến sát Nga. Nghĩ về những diễn biến gần đây ở Bắc Hàn và thái độ của Tổng thống Mỹ Donald Trump nói là sẽ phải giải quyết, tôi cho rằng có thể là một khởi phát cho những thay đổi tại Việt Nam.

Thực tế tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump chưa bao giờ nhắc đến Việt Nam như là một định hướng chính sách. Trump cũng chưa bao giờ để tâm nhiều đến chuyện dân chủ hay nhân quyền yếu kém tại Việt Nam hoặc coi Việt Nam như là một cơ hội kinh doanh tiềm tàng như ở Indonesia hay Singapore.

Việc làm đầu tiên trong ngày thứ 2 cầm quyền là ông ký Sắc lệnh bãi bỏ TPP mà Việt Nam đã háo hức tham gia và sắp sửa đưa ra quốc hội chuẩn thuận.

Nhưng câu chuyện thay đổi ở đây liên quan đến tương quan giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc trong việc giải quyết vấn đề Triều Tiên. Trump là một doanh nhân, một người biết “deal”. Bởi vậy, để giải quyết vấn đề Triều Tiên, Trump cũng có thể nhượng bộ một số điều với Trung Quốc, ví dụ như vấn đề cán cân thương mại, tương quan với Đài Loan hay Biển Đông của Việt Nam.

Cho đến bây giờ thì tôi tin là Trump không nhượng bộ với Trung Quốc ở Biển Đông để xử lý vấn đề Triều Tiên chỉ đơn giản là vì không cần thiết. Mỹ chỉ cần thông báo với Trung Quốc ý định “xử lý” là đủ chứ chưa thèm mặc cả với Trung Quốc để tiến hành.

Nhưng nếu như có xung đột, sau khi đã hạ gục nhanh Bắc Hàn, quá trình thống nhất và gây dựng một Đại Hàn Dân Quốc 75 triệu dân trong dân chủ, tự do sẽ phức tạp, kéo dài và Trung Quốc can thiệp nhiều hơn, sẽ có nhiều tranh chấp và mặc cả hơn và món đổi chác dễ nhất đối với Trump là Biển Đông.

Sự phụ thuộc vào Trung Quốc

Dòng thủy triều trên trái đất còn bị tác động bởi mặt trăng xa xôi thì đất nước Việt Nam nhỏ bé chắc chắn sẽ chịu nhiều tác động của những nước lớn. Trong suốt mấy ngàn năm phát triển, Việt Nam phụ thuộc nhiều vào Trung Quốc.

Trong Thế kỷ 19 và 20, Việt Nam bị tác động bởi nhiều nước lớn khác, trong đó có cả Trung Quốc, Pháp, Mỹ, Nga nhưng giờ đây chỉ còn 2 cường quốc có thể va chạm nhau nhiều về quyền lợi quanh Việt Nam là Mỹ và Trung Quốc.

Trong quan hệ quốc tế, Việt Nam luôn lớn tiếng chủ động, độc lập và không liên kết nhưng thực ra cũng như cá chậu chim lồng, đi đâu làm gì cũng phải ngó nghiêng. Muốn có một đoàn đi thăm Mỹ thì trước đó cũng phải dò qua Trung Quốc. 

Chính quyền Việt Nam ngày càng gần gũi với Trung Quốc, không chỉ chính trị mà còn về kinh tế. Càng tăng cường hợp tác, càng vay nợ nhiều, càng xây dựng nhiều xa lộ dọc biên dưới xuôi xuống phía Nam, thì Việt Nam càng lệ thuộc Trung Quốc.

Trung Quốc có vẻ cảm thây Việt Nam như trong lòng bàn tay của mình. Đến 70% rau, củ quả ở chợ đầu mối Hà Nội đến từ Trung Quốc và hàng hóa đi từ bên kia biên giới đổ về còn nhanh hơn đưa trong Thanh Hóa đưa ra. Phần lớn đồ gia dụng trong các gia đình nông thông ở Việt Nam đều là hàng hóa sản xuất từ Trung Quốc.  

Trung Quốc hầu như chủ động hoàn toàn về việc định giá các loại hàng hóa, không chỉ là khoáng sản hay vật liệu thô mà còn cả thực phẩm và đồ nông sản. Thâm thụt ngân sách với Trung Quốc càng ngày càng cao.

Khi nắm chặt Việt Nam, Trung Quốc có nhiều cơ hội làm giá, và họ có quyền ra giá cao và hiệu quả đến mức ngay cả Asean cũng đã nhiều lần trở mặt.   

Lo ngại Mỹ bắt tay với Trung Quốc

Mỹ thì lại có một hướng tiếp cận khác, Mỹ hiểu rất rõ “lòng dân” đã khác “ý đảng” ở Việt Nam hiện nay nhưng họ chưa bao giờ mong muốn hoặc có “âm mưu” cho sự thay đổi như chính quyền Việt Nam vẫn đôi khi cáo buộc.

Theo tôi cảm nhận thì các đời đại sứ Hoa Kỳ của Mỹ ở Việt Nam vẫn lên tiếng cho dân chủ, nhân quyền nhưng mặt khác đều ủng hộ sự ổn định của chính quyền Việt Nam, dù kín đáo hay công khai.

Việt Nam đang là thị trường kinh tế tốt cho những chính sách về thương mại của Hoa Kỳ và các đồng minh của Mỹ là Nhật Bản, Hàn Quốc và Singapore đều coi Việt Nam như là một đối tác thương mại.

Thực tế Mỹ cũng chẳng có quyền lợi gì nhiều ở Việt Nam ngoài tuyến hải hành ở Biển Đông và một chút gì đó khó định nghĩa ở xa xăm. Nhưng vì vai trò của Việt Nam trong tương lai ổn định của thế giới hòa bình, Hoa Kỳ sẽ có những can thiệp hoặc nhượng bộ để mọi việc thật sự phải ổn định.

Cần đi trước với Hoa Kỳ

Nhân dân Việt Nam có xu hướng “ghét” Trung Quốc và muốn hướng sang Hoa Kỳ. Điều này thể hiện rõ qua việc người dân đón tiếp nguyên thủ của Hoa Kỳ và Trung Quốc.

Bởi vậy để đi trước một bước, thiết nghĩ Việt Nam sẽ phải chấp nhận một số nhượng bộ, đưa “ý đảng về sát với lòng dân”, gần gũi với Hoa Kỳ trước khi vấn đề Triều Tiên được giải quyết, trước cả khi Hoa Kỳ thật sự cần Trung Quốc trong việc dàn xếp một nước Đại Hàn Dân Quốc thống nhất trong hòa bình.

Trong hai mối quan hệ thì Hoa Kỳ chắc chắn ưu tiên với Trung Quốc vì ở đó họ có nhiều lợi ích hơn. Thế nhưng khi Trung Quốc đang cố tình đối đầu Hoa Kỳ trong nhiều chuyện, thì Việt Nam nên học hỏi Hàn Quốc hay Nhật Bản khi xưa, khiêm tốn nép mình mà nhận làm đàn em để được Hoa Kỳ giúp đỡ vươn lên.

Chúng ta không có quyền lựa chọn vị trí địa lý, nhưng chúng ta có quyền chọn đồng minh. Nếu chúng ta tiếp tục dính sâu vào Trung Quốc và sự đối đầu giữa Trung Quốc và Mỹ tăng lên thì Việt Nam buộc phải lựa chọn. Khi đó, kịch bản những năm 1954 về sự chia cắt và binh đao cho dân tộc có thể lại lặp lại.

Vậy thì tại sao không phải ngay bây giờ đảng Cộng sản hãy học lại những bài học cũ và định hướng đi cho đúng, tránh những thảm họa cho dân tộc trong tương lai.

Nghĩ về tương lai

Nghĩ về tương lai mà lo sợ về những sự cắt bởi các thế lực lớn. Thực tế lịch sử chứng minh chia đôi hay thống nhất Việt Nam là điều không khó nếu Trung Quốc muốn. Đọc về Hiệp ước Thiên Tân ký giữa chính quyền Pháp và Nhà Thanh năm 1885 và sau đó là Tuyên cáo chung Thượng Hải giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc ký năm 1972 mà thầm lo ngại về một cuộc mặc cả giữa các bên trong tương lai.

Nghĩ về đất nước hôm nay và tương lai mà thấy lo lắng thấy chính lãnh đạo cũng tiếp tục giả mù giả điếc để tin và một lý tưởng xa xôi nào đó bên ngoài mà càng ngày càng dựa vào ngoại bang, không thấy những nguy cơ xung đột, chia cắt, động loạn binh đao trong 20 năm tới.  

Nghĩ về tương lai mà thấy lo cho chính những người Cộng sản khi bên trong không chân thành lắng nghe quyền lợi chính đáng của Nhân dân, để thật sự cho dân được nói, cùng dân bàn bạc để gây dựng tương lai.

Nghĩ về tương lai mà thấy cái lo khi các cuộc biểu tình ngày càng nhiều, tính bạo lực càng cao, những kích động xung đột tôn giáo do chính nhà nước tiến hành đang có dấu hiệu gia tăng. Cách giải quyết đều chỉ là vụn vặt, phần ngọn mà không giải quyết được mâu thuẫn tận gốc.


Trump sẽ sang Việt Nam vào tháng 11 năm nay. Hoa Kỳ đang định hình quan hệ với Châu Á trong đó có Việt Nam và đây là một cơ hội tốt, để những người cộng sản nghĩ về tương lai mà nhượng bộ nhiều hơn với Mỹ trong vấn đề Dân chủ, nhân quyền và Tôn giáo. 

Đó là cách đi trước một bước để gần hơn với ý của dân và tránh được cái giá của những cuộc mặc cả như vậy. Tiếp tục bắt bớ, truy đuổi những người yêu nước là Đảng cộng sản đang tự đứng về phía ngoại bang, làm hại dân tộc. 

No comments:

Post a Comment